Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/12/2021 21:22 GMT+7

VTV.vn - Rất nhiều chỉ số kinh tế tháng 11 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi.

Sản xuất được tạo điều kiện để trở lại hoạt động, lưu thông hàng hóa được khơi thông khi Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng thuận, hưởng ứng và tích cực thực hiện.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm nay, chỉ số này tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, 11 tháng đạt trên 599 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 300 tỷ USD tăng 17,5%. Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 300 tỷ USD, tăng 27,5%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất. 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD.

Lạm phát được kiểm soát làm nền tảng cho phục hồi sản xuất

Để có được sự phục hồi trên cần có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó đáng chú ý lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Lạm phát được kiểm soát tốt là nền tảng ổn định cho việc phục hồi của nền kinh tế. Việc giữ được mức độ ổn định này giúp cho Việt Nam có nhiều dư địa hơn để thực hiện các chính sách điều hành kinh tế.

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi - Ảnh 1.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

6 tháng qua, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu cho vận chuyển của Tổng công ty may 10 tăng khiến giá thành sản xuất cao, gây nhiều áp lực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việc lo bữa ăn miễn phí cho 12.000 công nhân tại 7 tỉnh cũng tốn một khoản chi phí khá lớn của công ty.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát và giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững để tăng xuất khẩu và tăng thêm nguồn cung ra thị trường để giảm bớt tăng giá cả của hàng hóa".

Trong những tháng qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi COVID-19 như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giảm giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, dịch vụ chứng khoán, sách giáo khoa…

Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát nguồn cung tiền hợp lý vừa hỗ trợ được sản xuất kinh doanh nhưng cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm thường giá cả tăng cao nên rất cũng cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để kiểm soát tăng giá.

"Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ giảm phí trong phạm vi có thể như chi phí về điện, vận chuyển. Tăng cường giám sát các hành vi trục lợi. Vào thời điểm này thực hiện gói kích cầu hiệu quả và đảm bảo dòng tiền đi vào sản xuất, không đi vào lĩnh vực phi sản xuất", ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho hay.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho hay: "Nếu lạm phát được kiểm soát tốt vốn sẽ chảy vào sản xuất kinh doanh, ít chảy vào những thị trường đầu cơ giúp cho tăng trưởng cao hơn. Ngoài ra, khi lạm phát ổn định thị trường tài chính cũng phát triển lành mạnh ít gây đổ vỡ và nợ xấu".

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cùng nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ, lạm phát năm nay chỉ khoảng 2% sẽ góp phần tạo đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh được phục hồi cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Tăng tốc xuất khẩu cuối năm

Xuất khẩu luôn là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dài vừa qua. Ngay khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, doanh nghiệp đã nhanh chóng quay trở lại sản xuất, tập trung dồn lực cho mục tiêu cuối năm.

Tháng 11, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng lên 52,2 điểm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 4.

Chỉ có nền tảng sản xuất mới tạo ra được cơ hội xuất khẩu. Với mặt hàng thủy sản - một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô nếu những tháng trước nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất khi dịch bệnh cao điểm, ngay khi được sản xuất trở lại xuất khẩu tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thị trường tăng tới gần 50% như EU.

"Đối với Nghị quyết 128 của Chính phủ liên quan đến thích ứng giúp cho việc sản xuất nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. Ngoài ra, có doanh nghiệp tăng được lực lượng lao động. Điều này không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mà nó thêm được công suất để trả đơn hàng đã ký và những đơn hàng có khả năng đáp ứng giai đoạn này", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho hay.

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu cuối năm. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Nhờ tác động của chính sách thích ứng linh hoạt, sự nỗ lực của doanh nghiệp, cán cân thương mại trở lại trạng thái xuất siêu. Sản xuất trở lại là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp Việt thuyết phục đối tác tiếp tục đặt hàng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho hay: "Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 3 tháng tăng trưởng âm nhưng tháng 11 có tăng trưởng dương là 15,8%. Với mức tăng trưởng này làm cho cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam quay đầu xuất siêu sau nhiều tháng nhập siêu. Mức tăng trưởng xuất siêu dương sẽ có đóng góp vào tăng trưởng chung của Việt Nam".

Với tốc độ phục hồi sản xuất và xuất khẩu như hiện nay, tháng còn lại trong năm sẽ là cơ hội để doanh nghiệp dồn sức hoàn thành mục tiêu cả năm.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số lượng và vốn đăng ký. Kết quả này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm vẫn còn không ít khó khăn. Vì thế tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cần thiết để kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh hơn.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm Bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm

VTV.vn - Dù hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể hồi phục nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước