Kinh tế Việt Nam tăng sức chống chịu từ thách thức bên ngoài

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/06/2023 20:28 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước những cơn gió ngược nhờ những chính sách cụ thể và quyết liệt được Chính phủ ban hành.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động lớn từ những biến động bên ngoài. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những chính sách cụ thể và quyết liệt được ban hành đã phần nào giúp con tàu kinh tế Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước những cơn gió ngược. Đây là nhận định của các trang báo và tổ chức quốc tế gần đây.

Với tiêu đề "Lạm phát giảm đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm lãi suất vào đầu năm nay" tờ Businesstimes của Singapore dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lạm phát giảm tạo dư địa để cắt giảm lãi suất, kiên định chiến lược duy trì ổn định vĩ mô.

Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế Quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định: "So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đã làm tốt cả về mặt tỷ giá hối đoái và duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và ổn định giá cả, vì vậy tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay. Tôi nghĩ điều đó giúp ích nhiều cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng".

Trang Newswires của Mỹ đưa tin: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7 đến hết năm nay.

Ông Hoàng Huy - Chuyên gia Phân tích Chiến lược, Công ty chứng khoán Maybank Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi Chính phủ có thể phản ứng nhanh như vậy. Sau khi dữ liệu vĩ mô quý I được công bố với GDP chỉ tăng trưởng khoảng 3,4%, một loạt chính sách được công bố trong tháng 4 và tháng 5. Chính phủ đã có chính sách cụ thể giảm VAT, giảm, giãn nợ thuế…".

Kinh tế Việt Nam tăng sức chống chịu từ thách thức bên ngoài - Ảnh 1.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những chính sách cụ thể và quyết liệt được ban hành đã phần nào giúp con tàu kinh tế Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước những cơn gió ngược. Ảnh minh họa.

Với sự phản ứng chính sách nhất quán và kịp thời, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Theo báo cáo Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam là quốc gia có động lực tăng trưởng lớn nhất trên thế giới, tăng 12 bậc trong bảng đo lường mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia.

Ông Joo Suk Park - Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá: "Một trong những điều Chính phủ Việt Nam đang làm tốt là sáng kiến hướng tới các khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao vào trong nước. Các quốc gia trong khu vực cũng dần để ý đến tốc độ cạnh tranh của Việt Nam".

Ông Denzel Eadas - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) nhận định: "Tôi nghĩ rằng thách thức trong tương lai là duy trì khả năng cạnh tranh để Việt Nam giữ được vị trí là điểm đến hàng đầu của FDI. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các bạn duy trì tính cạnh tranh trong tương lai? Khung chính sách là gì? Các ưu đãi là gì? Cơ sở hạ tầng cần thiết để duy trì vị trí hàng đầu đó trong tương lai là gì?".

Đơn vị nghiên cứu S&P Global Market Intelligence kỳ vọng châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Việt Nam cùng với Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tái định hình các địa điểm sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước