Ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.
Tại Phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Báo cáo trung tâm tại Phiên họp cho thấy, tháng 11 và 11 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.
Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỉ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023. Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN. Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc.
Lạm phát toàn cầu cao. Nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá; rủi ro tài chính, tiền tệ, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực. Một số nền kinh tế có nguy cơ suy thoái...
Trong nước, thực hiện biện pháp chấn chỉnh một số thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn... để hoạt động thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, song cũng tác động đến các thị trường này. Bên cạnh đó, trong tháng xuất hiện hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, khan hiếm thuốc, vật tư y tế...
Khi người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước càng cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường.
Về tín dụng, ngân hàng, phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng việc đưa tín dụng vào đâu, lĩnh vực, doanh nghiệp nào, sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến nguồn vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, theo nguyên tắc "chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả".
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng thu, giảm chi, nhất là tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.
"Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước càng cao, tránh tình trạng người dân nghĩ rằng Nhà nước bỏ mặc", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng lưu ý khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước càng cao, tránh tình trạng người dân nghĩ rằng Nhà nước bỏ mặc
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình để tham mưu về kinh tế vĩ mô và giải ngân đầu tư công; khẩn trương ban hành chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch; rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cùng các cơ quan sửa đổi các thông tư liên quan. Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Bộ Công Thương khắc phục triệt để vấn đề xăng dầu; thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả ba việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!