Kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 26/10/2022 21:04 GMT+7

VTV.vn - Quý IV được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế Việt Nam.

Xuất khẩu về đích sớm

Tính đến ngày 21/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD. Đáng chú ý Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 8 tỷ USD. Đây là một trong những mức xuất siêu kỷ lục được ghi nhận tại một thời điểm trong năm. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Dù mới giữa tháng 10, nhưng một doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty May 10 cho biết, công ty đã hoàn thành xuất khẩu 50% số đơn hàng dệt may của cả quý IV năm nay. 9 tháng qua, doanh nghiệp đã hoàn thành trên 85% kế hoạch xuất khẩu của cả năm. Đánh giá quý IV xuất khẩu sụt giảm do nhiều thị trường lớn giảm sức mua, doanh nghiệp đã chủ động phương án từ sớm.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: "Không chỉ khai thác các thị trường truyền thống mà hiện nay chúng tôi còn khai thác các thị trường mới. Trong bối cảnh bão giá như hiện nay, chúng tôi cũng đang tập trung siết chặt định mức kinh tế kỹ thuật, nghĩa là trước kia phải mua 3% cái hao hụt, hiện nay chúng tôi giảm xuống mua 1%, thậm chí là 0,5% hao hụt cho nguyên phụ liệu đầu vào, qua đó giảm bớt sự tăng giá đầu vào nguyên nhiên phụ liệu".

Kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ - Ảnh 1.

Dệt may và da giày là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, dệt may và da giày là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, chi phí tăng cao, nhu cầu của các thị trường giảm. Tín hiệu lạc quan cũng đến từ 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

"Quý IV chúng tôi đặt mục tiêu sẽ đạt 6 tỷ USD xuất khẩu, với mức như này các doanh nghiệp cũng mở rộng và tìm kiếm thêm các khách hàng mới. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm kiếm và mở rộng nguồn nguyên phụ liệu với nguồn cung tại chỗ để thay thế nguồn nhập khẩu, tránh sự biến động rủi ro khó lường", bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho hay.

Đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD, chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm ngoái. Như vậy, mục tiêu kim ngạch cả năm đạt 735 tỷ USD là rất khả thi và là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.

Doanh nghiệp linh hoạt hoàn thành kế hoạch năm

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dự kiến quý IV/2022 có gần 49% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III, gần 34% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường, cùng sự thay đổi của nhiều yếu tố trong sản xuất kinh doanh để hướng tới hoàn thành kế hoạch của năm nay.

Kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt còn có sự bứt phá không nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh minh họa.

Không chỉ có sự phục hồi rõ rệt trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm qua. Doanh nghiệp Việt còn có sự bứt phá không nhỏ trong lĩnh vực công nghệ.

Gần đây, việc Qualcom và Bkav hợp tác với nhau để đưa các sản phẩm công nghệ của Việt Nam ra thế giới cho thấy sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt khi tìm cách vươn ra thị trường lớn hơn.

"Việt Nam hiện nay trở thành trung tâm thiết kế sản xuất các sản phẩm công nghệ không chỉ cho khu vực mà cả trên thế giới. Điều này tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt đưa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thế giới", ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcom VietNam cho hay.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp sản xuất dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn các doanh nghiệp vẫn tin tưởng về sự phục hồi trong sản xuất và kinh doanh khi có sự chuẩn bị kỹ càng.

Có 44,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Đây là những dự kiến của cuối quý III vừa qua nhưng thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã biến dự kiến thành hiện thực.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Trong các báo cáo cập nhật tăng trưởng quý III toàn cầu cũng như khu vực, nhiều tổ chức quốc tế nhận định kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay kết hợp với việc đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.

Ngân hàng Standard Chartered hồi giữa tháng 10 đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay lên 7,5%. Còn Quỹ tiền tệ Quốc tế dự báo mức 7%. Ngân hàng Thế giới dự báo là 7,2%. Ngân hàng HSBC là 7,6%. Như vậy, quý IV được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế Việt Nam.

Bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định: "Với những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nay, chúng tôi dự báo triển vọng tăng trưởng quý IV sẽ là 4%. Nhu cầu trong nước và cả ở các thị trường bên ngoài sẽ tăng mạnh từ cuối năm nay sang năm sau. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra các đánh giá và quyết định linh hoạt với các rủi ro về lạm phát và bất ổn tài chính, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi từ đại dịch COVID-19".

Kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ - Ảnh 3.

Quý IV được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa.

"Việt Nam, Singapore nhiều khả năng sẽ dẫn đầu về việc củng cố tài khoá trong các nước ASEAN với kế hoạch đưa mức thâm hụt về mức trước đại dịch. Củng cố tài khóa không chỉ đơn giản là giảm chi ngân sách. Vấn đề còn nằm ở hiệu suất thu ngân sách của chính phủ cao thấp ra sao - thông qua các khoản thu từ thuế và các khoản thu được hỗ trợ rất lớn nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại", ông Tim Evans - Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá.

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay: "Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới. Với nguồn cung lao động chất lượng và môi trường đầu tư thuận lợi, sự cải thiện đáng kể về thực thi chính sách của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư chất lượng cao như Lego, Pegatron, Apple, muốn mở rộng, chuyển hoạt động sang Việt Nam. Quan trọng nhất là làm sao để khơi thông nguồn lực về hạ tầng, logistics, gắn kết được chuỗi sản xuất từ trong nước để đáp ứng sự mở rộng kết nối của các tập đoàn đa quốc gia".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước