Kinh tế Trung Quốc - Thách thức và kỳ vọng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 10/03/2024 12:30 GMT+7

VTV.vn -Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc hàng năm thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, bởi cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của nước này

Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc khai mạc hôm 4/3 và sẽ kéo dài trong 1 tuần. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Là cơ hội để dư luận có thể hình dung phần nào về mục tiêu, tầm nhìn, định hướng, quỹ đạo chính sách của nước này trong thời gian tới. 2024 cũng là một năm đặc biệt, kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và năm bản lề để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Kinh tế đang là một trong những nội dung nổi bật, trọng tâm tại kỳ họp lần này của Trung Quốc. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đứng trước không ít thách thức. Một loạt nội dung về kinh tế được đặt ra trong chương trình nghị sự, gồm mục tiêu tăng trưởng, chính sách tài chính, tiền tệ, hay việc làm.

Kinh tế Trung Quốc - Thách thức và kỳ vọng - Ảnh 1.

Trung Quốc công bố những mục tiêu kinh tế quan trọng năm 2024, GDP dự kiến tăng khoảng 5%. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

Trung Quốc công bố những mục tiêu kinh tế quan trọng năm 2024, GDP dự kiến tăng khoảng 5%, kỳ vọng tạo thêm được hơn 12 triệu việc làm. Đây là những nội dung được báo cáo tuần vừa qua trong khuôn khổ kỳ họp Lưỡng hội 2024, gồm Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc - còn gọi là Chính hiệp và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc - tức Quốc hội. Đây là sự kiện chính trị thường niên, một trong những kỳ họp quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc.

Kinh tế cùng với các vấn đề phát triển xã hội, hay quốc phòng, ngoại giao là những nội dung trọng tâm nhất được đề cập lần này. Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc hàng năm thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, bởi cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của nước này, cũng như định hướng, quyết sách ưu tiên trong thời gian tới.

Kinh tế đang là một trong những nội dung nổi bật, trọng tâm tại kỳ họp lần này. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đứng trước không ít thách thức. Một loạt nội dung về kinh tế được đặt ra trong chương trình nghị sự, gồm mục tiêu tăng trưởng, chính sách tài chính, tiền tệ, hay việc làm.

Cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc hôm thứ Tư tuần này cho rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm nay của Trung Quốc là phù hợp với tiềm năng kinh tế của nước này, đồng thời công bố kế hoạch đẩy mạnh điều chỉnh chính sách.

Ông Trịnh Sách Khiết - Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Năm nay, chúng tôi sẽ thực hiện điều tiết vĩ mô hiệu quả hơn và tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài chính, tiền tệ, việc làm, công nghiệp và khu vực để tất cả các chính sách được đồng bộ và tạo thành sức mạnh tổng hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thực, thúc đẩy tiêu dùng, mở rộng đầu tư và ổn định ngoại thương".

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng trừ khi Chính phủ Trung Quốc tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn.

"Mức tăng trưởng 5% báo hiệu khả năng có những động thái kích thích nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng - mức độ tác động sẽ vừa phải, không nhiều. Nhiều nhà phân tích dự báo tăng trưởng chậm hơn khoảng 4,5%. Nhưng họ nói rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn sẽ làm lung lay thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, bây giờ chúng ta sẽ phải xem chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì, từ chi tiêu công đến giá tiêu dùng, để cố gắng tăng trưởng lên tới 5% trong năm nay", ông Dake Kang - Phóng viên Hãng tin AP tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định.

Trong khi đó, tình hình thương mại toàn cầu có thể tác động tới xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Vương Văn Đào - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Cần lưu ý rằng tình hình ngoại thương năm nay vẫn cực kỳ nghiêm trọng. Một mặt, nhiều tổ chức quốc tế dự đoán rằng tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử, chịu áp lực đáng kể từ nhu cầu bên ngoài suy giảm. Mặt khác, chúng ta cũng thấy sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại".

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, giảm phát ngày càng sâu, nợ chính quyền địa phương tăng, vốn hóa thị trường của nhiều doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh, thất nghiệp ở giới trẻ trong năm ngoái có lúc lên hơn 20%, trong khi Trung Quốc hiện đối mặt tình trạng dân số già đi, lực lượng lao động sụt giảm và tỷ lệ sinh thấp.

"Một số người cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ mất đà vì dân số già. Nhưng tôi không nghĩ điều đó là chính xác. Tất nhiên, lao động rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng quan trọng hơn là lao động hiệu quả đó là số lượng lao động nhân với chất lượng lao động", ông Justin Yifu Lin - Viện trưởng Viện Kinh tế cấu trúc mới của Đại học Bắc Kinh đánh giá.

Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nhiệm vụ chính của năm 2024 là thúc đẩy xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại và đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, duy trì là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Tại Lưỡng hội lần này, dư luận quan tâm đến kế hoạch tạo ra "lực lượng sản xuất mới" của Trung Quốc - khái niệm mới được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đề xuất vào tháng 9/2023.

Ngay từ tháng 9/2023, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đi thăm tỉnh Hắc Long Giang đã lần đầu tiên đưa ra cụm từ "lực lượng sản xuất mới" để chỉ ngành năng lượng mới, vật liệu mới, sản xuất công nghệ cao. Sau đó, tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương tháng 12/2023, cụm từ này được đặt ở vị trí đầu tiên trong 9 nhiệm vụ kinh tế.

Tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc công bố nhiệm vụ đẩy nhanh phát triển lực lượng sản xuất mới nổi, phát triển cụm tích hợp ngành sản xuất mới nổi mang tính chiến lược. Mở rộng lợi thế ngành hàng đầu như ô tô năng lượng mới kết nối mạng thông minh, năng lượng hydro, vật liệu mới, chế phẩm sinh học, hàng không vũ trụ thương mại… Đi sâu thúc đẩy phát triển sáng tạo kinh tế số. Tăng cường ứng dụng nghiên cứu và phát triển dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo AI, AI+, xây dựng cụm công nghiệp kỹ thuật số tầm thế giới.

Kinh tế Trung Quốc - Thách thức và kỳ vọng - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất ô tô ở Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có nhắc đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được các mục tiêu kinh tế đề ra. Giới phân tích đã có những bình luận về các kế hoạch này.

Cũng như nhiều chuyên gia trong nước khác ông Yuan Yu Yu - lãnh đạo của công ty dược có tiếng cho rằng, lực lượng sản xuất mới là rất quan trọng để thúc đẩy sự tự lực về khoa học và công nghệ cao của Trung Quốc. Điều quan trọng là làm sao để đột phá.

Cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Huang Qi Fan, cho rằng quan trọng nhất là các dịch vụ sản xuất như điện toán đám mây, tư vấn tài chính, pháp lý - dùng để hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp phải được đầu tư mạnh để cho ra các sản phẩm chất lượng cao. Nhiều chuyên gia từ phương Tây cũng cho rằng Trung Quốc phải thương mại hóa công nghệ và khoa học để thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao.

Trung Quốc kiên trì con đường ngoại giao hòa bình

Kinh tế được nhận định là nội dung trọng tâm tại Lưỡng hội Trung Quốc 2024. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặc biệt chú ý đến họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị, với các phát biểu quan trọng thể hiện lập trường của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề quốc tế nóng, từ cạnh tranh Trung - Mỹ, các điểm nóng xung đột, hay tầm nhìn hợp tác. Theo bình luận từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đây cũng là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất tại Lưỡng hội năm nay.

Nhấn mạnh những trọng tâm ngoại giao trong năm 2024, Trung Quốc cho biết, nước này kiên trì con đường ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ… đồng thời sẽ nỗ lực vì hòa bình, ổn định và tiến bộ.

Ông Lâu Cần Kiệm - Người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần thứ 14 cho biết: "Trung Quốc sẽ kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình, sẵn sàng chia sẻ cơ hội phát triển với các nước khác, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng, công lý và hợp tác cùng có lợi, cùng thúc đẩy xây dựng cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại, có những đóng góp mới cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và tiến bộ cho toàn nhân loại".

Về quan hệ Trung - Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, quan điểm của Trung Quốc về quan hệ Trung - Mỹ dựa trên 3 nguyên tắc được Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh là: Tôn trọng lẫn nhau; Chung sống hòa bình; Hợp tác cùng có lợi.

"Những nguyên tắc trên không chỉ là sự tổng kết kinh nghiệm, bài học trong quan hệ Trung - Mỹ trong hơn nửa thế kỷ, mà còn thể hiện sự hiểu biết luật lệ điều chỉnh trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Những nguyên tắc này cần được cả Trung Quốc và Mỹ tuân thủ hành động", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ nỗ lực để ổn định quan hệ với Washington vì chung sống hòa bình là điểm mấu chốt, xung đột đối đầu giữa 2 nước lớn sẽ để lại hậu quả khó lường.

Cũng theo ông Vương Nghị, việc duy trì và phát triển quan hệ Trung Quốc - Nga là lựa chọn chiến lược của hai nước dựa trên những lợi ích cơ bản của nhân dân và cũng là điều hai nước cần phải thực hiện để bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết: "Với tư cách là các cường quốc và ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga đã tạo ra mô hình mới trong quan hệ giữa nước lớn, khác hoàn toàn cách tiếp cận thời chiến tranh lạnh. Trên cơ sở không liên kết, không đối đầu và không nhắm vào bất kỳ bên thứ 3 nào".

Trong vấn đề Trung Đông, Trung Quốc ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại Liên Hợp Quốc; ủng hộ việc nhanh chóng nối lại các cuộc đàm hòa bình giữa phía Palestine và Israel, nhấn mạnh vào giải pháp 2 nhà nước.

Nhiều vấn đề lớn khác cũng được đề cập tại họp báo. Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước láng giềng xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai cho châu Á và nhân loại; khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước lớn trong lĩnh vực AI, cũng như việc xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển; tiếp tục thúc đẩy đàm hòa bình tại Ukraine; kêu gọi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; hoan nghênh các bên cùng hợp tác, phát triển với châu Phi cũng như tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.

Tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp Lưỡng hội, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ nhận thức sai lầm về Trung Quốc và chưa thực hiện cam kết mà nhà lãnh đạo của 2 nước đã đồng thuận vào cuối năm ngoái. Mỹ dùng nhiều cách thức để trấn áp Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt đơn phương gia tăng.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ nỗ lực kiềm chế, trấn áp chính sách phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tái khẳng định Trung Quốc và Nga đã thiết lập hình mẫu mới cho mối quan hệ giữa các cường quốc, hoàn toàn khác thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Về ngân sách quốc phòng, năm 2024, Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng 7,2%, lên hơn 230 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng trước những những thách thức kinh tế nhằm tăng niềm tin nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Kinh sẽ tạm thời duy trì quan hệ không căng thẳng với Washington.

Quốc hội Trung Quốc sẽ bế mạc kỳ họp Lưỡng hội lần này vào ngày 11/3. Dù tình hình thế giới và trong nước nhiều thách thức, Đảng Cộng sản Trung quốc và Chính phủ Trung Quốc nhận định những yếu tố thuận lợi, xu hướng phục hồi và cải thiện kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn vẫn là yếu tố chủ đạo.

Củng cố sức mạnh nội tại, thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng, cùng với nhiều cải cách về kinh tế được chờ đợi thông qua, dư luận kỳ vọng những quyết sách tại mạnh mẽ hơn từ kỳ họp Lưỡng hội lần này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tác động tích cực đến tình hình chính trị, kinh tế, hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước