Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9%

Thùy An-Thứ năm, ngày 15/07/2021 11:12 GMT+7

VTV.vn - Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nói rằng nền kinh tế nước này đang duy trì sự phục hồi ổn định.

Cách đây ít giờ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố các số liệu tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021. Theo đó, GDP Trung Quốc từ tháng 4 – tháng 6 tăng 7,9%. Con số này thấp hơn dự báo 8,1% của Reuters, song cao hơn 7,7% mà Nikkei đưa ra. Trước đó vào quý I, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 18,3%.

"Nền kinh tế Trung Quốc duy trì sự phục hồi ổn định", Cục Thống kê Quốc gia cho biết. Song cơ quan này vẫn cảnh báo sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như sự phục hồi "không cân bằng" trong nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% trong quý II/2021

Bên cạnh GDP, kinh tế Trung Quốc cũng cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Theo đó, doanh số bán lẻ trong tháng 6 của Trung Quốc tăng 12,1%, cao hơn dự báo 11% của Reuters. Sản xuất công nghiệp tăng 8,3% (cao hơn dự báo mức 7,8%).

Với mức độ tăng trưởng trong quý I, II, kinh tế Trung Quốc cho thấy sự vững chắc trong mục tiêu tăng trưởng hơn 6% trong năm nay.

Trước đó đã có những lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới khi mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) ngày 9/7 thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

PBoC cho biết việc cắt giảm RRR sẽ được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 1.000 tỷ NDT (khoảng 154,43 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% - Ảnh 2.

Theo nhiều nhà phân tích, động thái cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc của PBoC này là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại

Theo nhiều nhà phân tích, động thái cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc này là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Và PboC đang muốn các ngân hàng cho vay nhiều hơn khi mà nhiều doanh nghiệp nước này đang gặp khó do việc giá hàng hóa tăng cao. 

Vào giữa tháng 6, theo thống kê, lạm phát giá tại nhà máy của Trung Quốc chạm mức cao nhất trong 13 năm. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI), phản ánh giá mà các nhà máy tính phí bán buôn cho sản phẩm đã tăng 9% trong tháng 5 so với một năm trước đó, tăng so với mức tăng 6,8% trong tháng 4. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chính thức của Trung Quốc đã tăng 1,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, từ 0,9% vào tháng 4.

Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc cũng đang đối diện nhiều thách thức lớn như: Gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu điện… Cùng với đó là tăng trưởng trong khu vực dịch vụ chậm lại do tác động từ sự bùng phát của COVID-19 tại miền Nam nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước