Kinh tế TP Hồ Chí Minh 10 tháng năm 2023: Duy trì được mức tăng

Đ.Huyền-Thứ hai, ngày 30/10/2023 16:11 GMT+7

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ.

VTV.vn - 10 tháng năm 2023, TP Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, đảm bảo cung cầu hàng hóa và hoạt động tài chính ngân hàng.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023 của UBND TP Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 10 tháng năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ, trong khi đó ước tính chi ngân sách địa phương tăng 37,3% so với cùng kỳ (chi đầu tư tăng 31,7% và chi thường xuyên tăng 9,4%).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh đánh giá mặc dù một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã ghi nhận chỉ số tăng trong những tháng gần đây nhưng tính chung, đây là tháng đầu tiên trong 10 tháng qua chỉ số công nghiệp chỉ tăng 3,7%, mức tăng này chưa quay về mức của năm 2019.

Tuy nhiên, một vài chỉ số cho thấy sản xuất công nghiệp đang tốt lên, trong đó, chỉ số tiêu thụ hàng hóa của ngành công nghiệp tăng 1,5%. Đây là tín hiệu cho thấy chu kỳ suy giảm sản xuất công nghiệp đã sắp đi qua.

Có 9/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng. Một số ngành tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 77,3%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 68,6%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,9%.

10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh 10 tháng năm 2023: Duy trì được mức tăng - Ảnh 1.

10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, đây cũng là chỉ số "cứu cánh" cho kinh tế thành phố trong bối cảnh ngành công nghiệp đang trong đà suy giảm. Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn cho biết thêm, mức tăng trong 10 tháng qua của một số lĩnh vực tiêu dùng dịch vụ, du lịch ăn uống ghi nhận rất tốt, trên 60% nhưng con số này vẫn chưa bằng kỳ vọng và đạt bằng mức của năm 2019.

Về tổng thu ngân sách nhà nước đạt 372.708,110 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63.894,241 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 3.386.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 92,2% tổng nguồn vốn huy động.

Báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng năm 2023 của TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Chương trình kích cầu đầu tư của TP bị gián đoạn, chưa kịp thời trở thành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm lao động tăng, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Về thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh:

Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố trong 10 tháng, các sở ngành, doanh nghiệp tại Thành phố đã giải quyết việc làm hơn 268.000 lượt người.

Trong tháng 10, có hơn 12.000 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới 10 tháng là hơn 119.000 chỗ.

Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 tăng 0,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với tháng 10/2022 thì giảm 3,2%. Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số lao động giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Một số ngành có chỉ số lao động tăng như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 32,4%), sản xuất xe có động cơ (tăng 28,4%), công nghiệp chế biến, chế tạo khác (tăng 24,1%).

Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 17%), sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác (giảm 12%); thoát nước và xử lý nước thải (giảm 10%).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước