Kinh tế quốc tế nổi bật tuần qua (6-12/7): “Cơn địa chấn” trên TTCK Trung Quốc

Tạp chí kinh tế-Chủ nhật, ngày 12/07/2015 07:00 GMT+7

VTV.vn - Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc chóng mặt, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là những sự kiện kinh tế quốc tế đáng chú ý tuần qua.

“Cơn địa chấn” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua chứng kiến một "cơn địa chấn" sau một thời gian phát triển quá “nóng”. Sự lao dốc không phanh của thị trường cùng với hơn 50% công ty niêm yết ngừng giao dịch đã khiến trên 3.000 tỷ USD bốc hơi.

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp giải cứu thị trường như tạm ngừng hoạt động phát hành cổ phiếu mới, chỉ đạo các doanh nghiệp, công ty tài chính chỉ mua, không bán cổ phiếu cũng như thanh tra trên diện rộng đối với các hành vi thao túng giá.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp là những nhân tố khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 3,3%. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được dự báo chỉ tăng trưởng 2,5%.

BRICS khẳng định vai trò lớn hơn trong nền tài chính toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 7 khai mạc tuần qua tại thành phố Ufa, Nga. Hội nghị lần này đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử của khối với sự thiết lập của ngân hàng phát triển mới và quỹ dự trữ ngoại tệ có số vốn mỗi thể chế lên tới 100 tỷ USD.

BRICS cho rằng, vị thế của nhóm sẽ tăng cường khi hai định chế tài chính này đi vào hoạt động, nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, giữ ổn định tình hình tài chính nội khối cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Nhật Bản: 1/3 số doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài

Tính đến cuối quý IV/2014, có đến gần 1/3 tổng số doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhật Bản lại lý giải, mặc dù đồng Yen giảm giá mạnh so với đồng USD nhưng điều này chắc chắn chỉ duy trì trong ngắn và tối đa là trung hạn. Thay vào đó, các yếu tố khác như cơ cấu dân số già hay nhu cầu tiêu dùng nội địa hạn chế của người dân mới là nhân tố chính thúc đẩy doanh nghiệp bản địa chuyển dịch và xây dựng các cơ sở sản xuất mới tại nước ngoài.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước