Người nhập cư tại Anh. Ảnh: AP
Lo lắng về sự bùng nổ của chủ nghĩa khủng bố sau các vụ xả súng liên tiếp tại Pháp đã khiến một số ý kiến cho rằng, châu Âu nên thay đổi chính sách người nhập cư. Tuy nhiên cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng, điều này sẽ hạn chế đà tăng trưởng của khu vực này, khi nền kinh tế châu lục già này lại đang rất phụ thuộc vào lao động nhập cư.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha vừa đưa ra đề án siết chặt luật nhập cư và thay đổi hiệp ước Schengen. Chủ nghĩa khủng bố leo thang đang khiến nhiều quốc gia lo lắng về tình hình an ninh xã hội, tuy nhiên đây không phải là quan điểm của toàn châu Âu.
Tổng thống Đức Joachim Gauck nói: "Chúng ta rất khác nhau về chính trị, văn hóa và tôn giáo, nhưng tất cả chúng ta đều là người Đức và nước Đức trở nên đa dạng hơn về tôn giáo, văn hóa và tâm lý, nhờ có nhập cư. Điều này đóng góp cho thành công của đất nước và nước Đức trở nên đáng yêu hơn".
Chỉ tính riêng năm 2013, Văn phòng thống kê Liên bang Đức đã thống kê được hơn 1,2 triệu dân nhập cư hợp pháp vào quốc gia này, trong số này rất nhiều lao động có trình độ cao.
Ông Christian Schulz, Chuyên gia kinh tế cao cấp - Ngân hàng Berenberg cho biết: "Thị trường lao động của Đức hiện nay đang giới hạn, các công ty buộc phải dựa vào nguồn lao động đến từ bên ngoài để cung cấp các kỹ năng cần thiết trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế".
Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, hiện cứ 4 người ở độ tuổi lao động sẽ phải nuôi 1 người già trên 65 tuổi. Với tỷ lệ sinh hiện nay, ước tính đến năm 2060, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2 trên 1. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để vực dậy nền kinh tế ở châu lục già này, các chính sách mở cửa đối với người dân nhập cư là vô cùng cần thiết.
Mời quý vị xem video chi tiết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.