Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 28/05/2024 15:24 GMT+7

VTV.vn - Ngành gỗ Việt Nam hiện mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng.

Xuất khẩu gỗ 5 tháng tăng gần 20%

Nếu như năm ngoái xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm sâu ở hầu hết các thị trường thì từ đầu năm đến nay xuất khẩu ngành này đã có nhiều tín hiệu khả quan. 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

Doanh nghiệp trong nước đang tiếp tục đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Linh hoạt xuất khẩu gỗ

Sự phục hồi đáng kể này là nhờ nhu cầu của thị trường tăng, tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU bắt đầu phục hồi và hàng tồn kho giảm.

Tín hiệu từ các thị trường nhập khẩu đang tốt dần lên kể từ đầu quý II đến nay, nhưng các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cũng không chủ quan, mà đang chủ động điều chỉnh sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cũng như thị trường.

Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cho biết, 5 tháng đầu năm, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng từ các thị trường Mỹ, EU đưa tăng trưởng của doanh nghiệp này tăng lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lim Hong Jin - Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang tăng cường thêm công nhân có tay nghề và mở rộng thêm nhà xưởng, đồng thời khuyến khích người lao động cải tiến tăng năng suất vì chúng tôi đang tập trung đơn hàng cho các thị trường Mỹ, EU cho kịp tiến độ".

Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta ước đạt hơn 6 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Đơn hàng của doanh nghiệp nội thất Furnist cũng tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Vì ngoài khách truyền thống thì doanh nghiệp còn đa dạng mẫu mã và tối ưu hóa chi phí vận chuyển, nên đã thu hút thêm được nhiều lượng khách hàng mới.

Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Điều hành Nội ngoại thất Furnist cho hay: "Chúng tôi đã dạng các nguyên vật liệu nhằm nâng cao giá trị cũng nhu tạo ra nhu cầu mới lạ. Thứ hai, về cấu trúc thì chúng tôi thiết kế làm sao cho số lượng, kích thước đóng trên container nhiều nhất để giảm chi phí logistics".

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh là nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường Mỹ, EU. Đơn cử như năm ngoái xuất khẩu gỗ ở thị trường Anh giảm sút rất sâu thì năm nay đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng 5%. Còn các thị trường trường khác như Mỹ, Canada có mức tăng trưởng mạnh, tăng hơn 20%. Bởi hiện nay, sức mua ở các thị trường này bắt đầu tốt dần lên.

Cơ hội tăng tốc xuất khẩu gỗ

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD - Ảnh 2.

Để xuất khẩu bền vững, các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước cũng đang nỗ lực tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các thị trường. Ảnh minh họa.

Năm 2024, ngành gỗ và sản phẩm gỗ đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm ngoái. Hiện nay chưa phải là mua cao điểm nhưng với mức tăng như hiện nay cho chúng ta hy vọng về sự bứt phá trong những tháng tiếp theo.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đánh giá: "Thời điểm của tháng 5/2024 mà đã có tăng trưởng như vậy thì tôi nghĩ chu kỳ giao hàng cao nhất là tháng 9 và tháng 12 sẽ có tăng trưởng rất tích cực".

Để xuất khẩu bền vững, các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước cũng đang nỗ lực tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các thị trường trong việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, để ngành gỗ đạt mục tiêu và phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam cũng phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỷ USD Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỷ USD Ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia Ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước