Để ổn định sản xuất trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ... (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 đang khiến đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước cũng khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 - 25%.
Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường và đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB, ODM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!