Một cây xăng tại Hà Nội thông báo ngừng bán với lý do mất điện vào trưa 27/5. (Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM)
Những ngày gần đây, nhiều cây xăng có tình trạng thiếu hàng, thậm chí có cây xăng còn thông báo hết xăng, tạm thời ngừng bán.
Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu phục vụ thị trường trong nước là đủ. Hiện tượng hết hàng là cục bộ, do nhu cầu tăng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội và tâm lý mua gom trước diễn biến giá xăng dầu có thể tăng mạnh trở lại.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết các đầu mối không thể chịu trách nhiệm về toàn bộ nguồn hàng nhập của những cây xăng đại lý vì các cây xăng này thường không nhập hàng từ một đầu mối mình đứng tên thương hiệu mà nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.
Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa không bán hàng. (Ảnh: TTXVN)
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, là đại lý của một đầu mối nào thì đại lý đó chỉ được phép mua hàng từ đầu mối mà mình đứng tên thương hiệu. Tuy nhiên trên thực tế, các đại lý thường chỉ mua từ 50% - 70% lượng xăng dầu từ đầu mối mà mình đứng tên, phần còn lại họ linh hoạt để xem nơi nào có giá tốt hơn sẽ nhập hàng.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi các Cục Quản lý thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các Cục Quản lý thị trường phối hợp với các quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, trong đó đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá làm hạn chế việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!