Dịp Tết cũng là lúc sức tiêu thụ nông sản tăng mạnh, trong đó có mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, câu hỏi chung của nhiều người tiêu dùng là làm thế nào để mua được trái cây chất lượng từ những vườn canh tác an toàn? Thực tế cho thấy, nếu sản xuất theo chuỗi, gắn kết nhà vườn với doanh nghiệp tiêu thụ thì có thể kiểm soát, tránh sự nhập nhằng nguồn gốc, chất lượng trái cây.
Bóc trái bưởi và ăn ngay tại vườn, ông Trường (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có thói quen như vậy, sau nhiều năm chuyển hướng canh tác VietGAP. Nhiều tuần qua, mưa gió liên tục, vườn bưởi bị hư hại nhưng ông không phun thuốc. Trái bưởi nhìn không đẹp mắt nhưng vẫn ngọt và quan trọng hơn là không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Toàn bộ vườn bưởi nhà ông Trường chỉ bán cho một đầu mối thu mua đó Công ty Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn, Khánh Hòa. Phía doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với nhà vườn.
30 nông hộ ở vùng trồng bưởi da xanh tại miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, sau khi thực hiện canh tác VietGAP đã gắn kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho mặt hàng bưởi. Mỗi tháng, doanh nghiệp thu mua từ 90 đến 150 tấn bưởi.
Công đoạn không thể thiếu khi đóng gói đó là dán nhãn cho bưởi. Tiện ích hơn, dùng điện thoại quét mã trên nhãn, người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc, quy trình canh tác của nhà vườn.
Cho đến lúc này, nhãn hiệu, các giấy tờ chứng nhận vẫn là cách đầu tiên để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây. Tất nhiên, chất lượng phải luôn được kiểm tra, để xác định có đúng như những gì công bố trên nhãn hiệu hay không.
Kiểm soát chất lượng, nhất là mối nguy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở mặt hàng rau quả là không đơn giản. Nhưng nếu sản xuất theo chuỗi và thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng thì sẽ đưa được rau quả an toàn đích thực đến tay người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!