Với tổng vốn huy động khoảng 3 triệu tỷ đồng và phần lớn được dành cho đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của đất nước, nợ công đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP đã có cải thiện nhưng theo Bộ Tài chính tốc độ nợ công vẫn tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, việc quản lý và sử dụng vốn vay còn bất cập. Vì vậy việc kiềm chế tốc độ gia tăng của nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững vẫn là trọng tâm của nhiều năm tới.
Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng nợ công của nước ta bình quân 18,1%/năm thì nay chỉ còn 9,7%/năm. Lãi suất vay bình quân trên 11%/năm thì năm là 5,98%/năm. Kỳ hạn trả nợ Trái phiếu Chính phủ bình quân 3,1% năm nay đã lên tới 13,5% năm và đã phát hành trái phiếu có kỳ hạn lên tới 30 năm . Cơ cấu nợ đã chuyển dịch từ nợ nước ngoài là chính sang nợ trong nước là chính đã giảm được rủi ro về tỷ giá ngoại tệ. Các kết quả trên đã góp phần ổn định nợ công, tiết kiệm chi phí huy động vốn.
Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh khiến nợ Chính phủ tăng theo, đe dọa đến sự bền vững của nền tài chính quốc gia. Nguyên nhân cơ bản vẫn do bội chi ngân sách khá cao trong khi tốc độ tăng thu không theo kịp. Tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi sẽ là giải pháp cơ bản nhất để hạn chế nợ công.
Trước đây do yêu cầu tăng vốn huy động cho đầu tư phát triển nên bảo lãnh Chính phủ tăng bình quân 50%/năm. Luật quản lý nợ công 2017 sẽ hạn chế cấp bảo lãnh mới và quy định chặt chẽ hơn các điều kiện cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Đầu tư công đóng vai trò như là vốn mồi để kêu gọi các nguồn đầu tư xã hội khác nên việc tiếp tục vay nợ cho đầu tư công là tất yếu. Nguồn lực này cần được sử dụng đúng mục đích để tạo đà cho nhiều ngành kinh tế phát triển và thông tin về nợ công cần được công khai minh bạch để cả xã hội giám sát các khoản đầu tư này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!