Kịch bản “phá băng” ngành du lịch hậu COVID-19

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/09/2020 05:47 GMT+7

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch chưa "chạm tay" được vào các gói hỗ trợ của Chính phủ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" như một hiệu lệnh phá tảng băng du lịch bị đông cứng trong tháng 7, 8.

Chương trình phát động trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, tất cả các điểm du lịch đã mở cửa trở lại. Cách đây 3 ngày, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên chở khách từ Hàn Quốc về Việt Nam đã cất cánh sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh.

Nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Tư vấn Du lịch công bố ngày 20/9 cho thấy:

- 41% người được hỏi sẵn sàng đi du lịch vào dịp tháng 9, 10;

- 47% người được hỏi cho biết sẽ đi du lịch từ 2 - 3 ngày, 37% đi nghỉ 4 - 5 ngày;

- 70% người được hỏi sẽ đi du lịch bằng máy bay, trong khi 30% lựa chọn đi xe khách, 30% đi du lịch bằng xe riêng, đi tàu hỏa là 11%;

- 49% người được hỏi muốn đi du lịch cùng gia đình, 30% đi cùng bạn bè;

- 56% người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch du lịch, yếu tố tài chính tác động 32% tới kế hoạch.


Kịch bản “phá băng” ngành du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Mỗi khi xảy ra khủng hoảng kinh tế hay dịch bệnh, du lịch là một trong những ngành bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Xu hướng du lịch thay đổi

Thời điểm này là khoảng thời gian vàng cho du lịch tới vùng cao Tây Bắc đang vào mùa tam giác mạch, mùa lúa chín, hoặc du lịch miền Tây mùa nước nổi. Có thể thấy trên mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh cuối tuần check-in của nhiều gia đình tại làng quê, sông nước, ruộng bậc thang mùa vàng hay những vùng núi hùng vĩ, hoang sơ. Sau COVID-19, xu hướng lựa chọn đi du lịch của người dân đang có nhiều thay đổi.

Kịch bản “phá băng” ngành du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Sau COVID-19, xu hướng lựa chọn đi du lịch của người dân đang có nhiều thay đổi. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Những điểm đến được nhiều người yêu thích nhất mùa thu phải kể đến Tây Bắc mùa vàng với Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải, những trung tâm du lịch gần Hà Nội như: Quảng Ninh, Ninh Bình hay Hải Phòng, nơi có vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Theo khảo sát, 44,2% người được hỏi cho biết đặt tour qua nền tảng trực tuyến, xu hướng thời gian tới theo nhận định của các chuyên gia.

Thái Lan đẩy mạnh hỗ trợ phục hồi du lịch

Do ảnh hưởng của đợt dịch thứ hai, 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Trong đó, 10% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.

Thực tế cho thấy, một số quốc gia láng giềng đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa sau COVID-19. Không chỉ thu hút người dân đi du lịch trong nước, đảm bảo an toàn, chính phủ các quốc gia này đã có nhiều giải pháp đồng bộ để dần vực dậy "ngành công nghiệp không khói", tiêu biểu là Thái Lan.

Năng động và nhạy bén, Thái Lan đã nhanh chóng tái khởi động du lịch. Nước này mạnh tay chi 22,4 tỷ Baht (tương đương 720 triệu USD) để trợ giá khách sạn và vé máy bay cho 4 triệu người và những chuyến nghỉ miễn phí tri ân 1,2 triệu nhân viên y tế. Người dân Thái chỉ phải trả 60% tiền hóa đơn khách sạn, chính phủ lo phần còn lại, tối đa 3.000 Baht (khoảng hơn 2 triệu đồng) mỗi đêm và không quá 5 đêm. Chính phủ chi trả 40% chi phí giá vé máy bay, nhưng giới hạn ở mức 1.000 Baht cho mỗi du khách.

Kịch bản “phá băng” ngành du lịch hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Thái Lan đã nhanh chóng tái khởi động du lịch sau dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Số ngày nghỉ bù của dịp Tết Songkran được chia nhỏ để tạo ra 2 kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 4 ngày trong tháng 7 vừa tạo điều kiện cho người dân đi nghỉ, vừa giãn cách lượng khách.

Tổng cục Du lịch Thái Lan còn phát động chương trình kích thích mua sắm kéo dài trong 2 tháng, hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Các gói kích cầu du lịch triển khai từ 1/7 đến hết ngày 30/10 được chính phủ Thái Lan hy vọng thúc đẩy doanh thu từ du lịch và tiêu dùng cá nhân, thu hút khoảng 100 triệu lượt khách nội địa trong bối cảnh thị trường quốc tế hồi phục chậm hậu COVID-19.

Mỗi khi xảy ra khủng hoảng kinh tế hay dịch bệnh, du lịch là một trong những ngành bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất, nhưng sau khủng hoảng, du lịch, đặc biệt du lịch nội địa luôn được đánh giá có khả năng phục hồi nhanh. Tuy nhiên, muốn phục hồi nhanh, một kịch bản tốt là chưa đủ, cần phải có nguồn lực thực hiện kịch bản đó.

Hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, tất cả các điểm đến trong nước đã mở lại, nhưng liệu có thể tạo ra sức bật cho du lịch trong 3 tháng cuối năm còn lại? Kịch bản nào phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này khi du lịch đang bước vào mùa thấp điểm?

Câu trả lời phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 28/9, với sự tham gia của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đơn vị trực tiếp tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đợt kích cầu du lịch lần 2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước