Không nên giao doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn xăng giá dầu

Thùy An-Thứ năm, ngày 06/04/2023 15:43 GMT+7

VTV.vn - Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lí, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng.

Sáng 6/4, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành việc dự thảo luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá.

Trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan.

"Giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước", ông Hòa nhấn mạnh.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lí, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lí tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lí theo giá thị trường.

Không nên giao doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn xăng giá dầu - Ảnh 1.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lí, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng

Về vấn đề định giá, đại biểu này nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá, nhưng áp dụng pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải tham gia tích cực, còn Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ.

Đại biểu đề nghị, cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này.

Về giá trần dịch vụ hàng không, đại biểu cho rằng, cần có quy định cả về giá tối thiểu và giá tối đa, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích của người dân.

Không nên giao doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn xăng giá dầu - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Cùng nói về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lí, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương.

Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lí lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.

Đại biểu cho rằng, để quản lí Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Liên quan đến Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2013/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng, lấy ý kiến. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong dự thảo, Bộ Công Thương đang đề xuất 3 phương án quy định đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành.

Phương án 2: Tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể.

Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này để vừa bảo đảm Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu;

Phương án 3: Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Với nội dung này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó tiếp tục có quy định về Quỹ bình ổn giá, tuy nhiên, có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (trích lập và chi), đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán

Việc lựa chọn phương án 2 nhằm bảo đảm giá xăng dầu dần theo thị trường, phản ánh đủ chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giưac các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước