Trong cuộc họp báo sáng 7/1, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết "Việc không in tiền lẻ mới trong dịp Tết giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí ngân sách chi cho in ấn, vận chuyển, bảo quản và kiểm đếm".
Theo tờ Thời báo kinh doanh, trong 6 năm không in tiền lẻ dịp Tết, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm tổng chi phí khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tờ báo này cũng đặt câu hỏi, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không cung ứng tiền mới mệnh giá nhỏ song dịch vụ đổi tiền lẻ mới lại rất sôi động trên thị trường chợ đen.
Tết là dịp nhu cầu tiền lẻ trong dân là rất lớn, từ mừng tuổi đầu năm cho tới lễ chùa, làm công đức. Thời báo Kinh doanh thậm chí còn khảo sát một số ngân hàng và cho hay thời điểm này chưa có tiền mới còn nguyên serie nhưng thị trường chợ đen đã rất sẵn, mệnh giá nào, bao nhiêu tiền đều có thể được đáp ứng.
Cũng trên Thời báo kinh doanh, Luật sư Trương Thanh Đức và một số chuyên gia đặt vấn đề thu phí đổi tiền lẻ tùy theo mệnh giá tại ngân hàng bởi việc không thu phí hiện tại có thể khiến dòng tiền lẻ được tuồn riêng ra ngoài cho các đợt cao điểm Tết. Còn thực tế trong các giao dịch thông thường từ vài triệu đến vài trăm triệu không khách hàng nào muốn nhận về tiền lẻ.
Ông Đức nói: "Thà rằng quy định thu phí vì không phải phát hành cho dân mà đây là đổi dịch vụ. Cách này sẽ giúp giảm tình trạng ngân hàng khan hiếm tiền, chợ đen thì tấp nập".
Trên thực tế, nhu cầu về tiền lẻ, tiền mặt trong dịp Tết về cơ bản chỉ bị đẩy lên cao qua một vài phong tục truyền thống và một số hoạt động tâm linh đầu năm. Còn trong các hoạt động kinh doanh, theo Ngân hàng Nhà nước, với các đợt cung ứng từ tháng 4 - 11/2018 bao gồm cả tiền cũ và tiền mới in, lượng tiền lẻ qua lưu thông đã tăng 25% so với năm 2018, đảm bảo lượng tiền mặt đủ nhu cầu cho nền kinh tế, các tổ chức và cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!