Không được trả lương, thợ may Zara kêu cứu trên nhãn quần áo

Lê Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 13/11/2017 10:47 GMT+7

VTV.vn - Nhiều tờ báo châu Âu tuần qua đưa tin về công nhân may Thổ Nhĩ Kỳ đòi hãng thời trang Zara trả thù lao. Sự việc một lần nữa làm cho người tiêu dùng châu Âu phải quan tâm.

Khách mua quần áo tại nhiều cửa hàng của hãng Zara tuần vừa qua đã bất ngờ tìm thấy một thông điệp của công nhân may Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tờ Metro ra tại Thụy Điển, các mẩu giấy đều có cùng nội dung: "Tôi là người đã làm ra sản phẩm mà ông bà vừa mua, nhưng tôi không được trả thù lao cho việc đó". Đấy là lời kêu cứu của công nhân một xưởng may tại Thổ Nhĩ Kỳ, may gia công cho hãng Zara. Nhà máy đã bất ngờ đóng cửa, trong khi vẫn nợ công nhân nhiều tháng tiền lương. Trên mẩu giấy còn có những dòng kêu gọi người mua quần áo Zara lên tiếng gây sức ép buộc hãng thời trang Tây Ban Nha phải cải thiện điều kiện làm việc của công nhân may gia công cho hãng này.

Tình cảnh của công nhân may gia công ở các nước đang phát triển một lần nữa làm cho người tiêu dùng châu Âu phải quan tâm. Lần trước là cách đây 4 năm, một xưởng may tại Bangladesh bị sập làm cho hơn 1.000 công nhân thiệt mạng. Tờ Libération ra tại Pháp tuần vừa qua trích lời đại diện của Zara, rằng "Hồi đó, cùng với các hãng thời trang khác trên thế giới, Zara đã buộc các nhà máy may gia công phải bảo đảm điều kiện lao động của công nhân". Sau đó, tình hình có tốt hơn, thế nhưng về cơ bản những vấn đề cốt lõi vẫn còn đó. Bởi, ngành may mặc vẫn tiếp tục mô hình kinh doanh dựa trên nhân công giá rẻ tại các nước châu Á.

Các chuỗi bán lẻ phương Tây muốn làm ăn với các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động, đồng thời lại vẫn muốn mua sản phẩm giá rẻ nhất có thể. Vì vậy, để có sản phẩm giá rẻ, các nhà máy may gia công cắt giảm chi phí chống cháy nổ, duy trì tiện nghi làm việc ở mức tối thiểu, hạn chế chất lượng số lượng suất ăn giữa ca, và đưa ra mức lương thấp nhất có thể. Một chiếc áo bán tại Ba Lan với giá 69,50 Zloty, khoảng 430.000 đồng, thì lợi nhuận của hãng thời trang chiếm tới 1/3, trong khi chi phí cho nhân công chỉ là khoảng 3.000 đồng Việt Nam, chưa tới 1% giá trị chiếc áo.

Khi các công nhân may Thổ Nhĩ Kỳ đánh động dư luận trong tuần vừa qua, một số báo đã nhắc tới cuộc vận động mang tên "Quần áo sạch" có từ mấy năm nay tại Ireland, đòi các hãng thời trang phải bảo đảm cho công nhân may ở các nước đang phát triển một mức lương đủ sống. Mỗi công nhân ít nhất cũng phải có đủ ăn, có tiền thuê chỗ ở, khám chữa bệnh, có điều kiện học hành, mua sắm quần áo cho chính mình, đủ tiền đi lại, và còn tốt hơn nữa, nếu như mỗi tháng để ra được ít tiền tiết kiệm. 

Thông tin Zara Việt Nam Outlet bán đồng giá 100.000 đồng là lừa đảo Thông tin Zara Việt Nam Outlet bán đồng giá 100.000 đồng là lừa đảo

VTV.vn - Zara Việt Nam khuyến cáo, người tiêu dùng và cư dân mạng hết sức cẩn trọng về thông tin lừa đảo Zara Việt Nam Outlet bán đồng giá 100.000 đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước