Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 09/07/2024 19:43 GMT+7

VTV.vn - Làm sao tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để người lao động thu nhập thấp có thể mua nhà?

Giải ngân chưa tới 1%

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5-2% so với thị trường. Gói tín dụng được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu khó khăn về nhà ở của người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng lại chưa đạt yêu cầu. Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội với số tiền cam kết khoảng 7 nghìn tỷ đồng song mới giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 956 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính tổng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, mức độ giải ngân chưa tới 1%.

Tình trạng này đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh, phân tích nguyên giải ngân chậm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, trong đó liên quan đến 2 vấn đề là chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư và điều kiện để mua nhà còn nhiều bất cập.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho biết, một số địa phương còn chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án vẫn còn kéo dài. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân và người lao động của mình.

"Thực tế giá nhà ở xã hội quá cao so với khả năng thu nhập của người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng cần có nhu cầu về nhà ở" – ĐBQH Lê Thị Thanh Lam chia sẻ.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn ĐBQH Hậu Giang) phát biểu tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) thì nêu ra tình trạng thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn, vốn đầu tư lớn, lợi nhuận đầu tư từ xây dựng nhà ở xã hội bị khống chế không cao. Thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư cũng nhiều nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nhà ở xã hội. Một phần cũng do nhu cầu, điều kiện, khả năng mua nhà của người lao động có thu nhập thấp ở mỗi nơi có khác nhau.

ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội ở những địa phương ngoài các thành phố lớn, ở những nơi khó thu hút các nhà đầu tư. Sản phẩm nhà ở xã hội nên linh hoạt, đa dạng các hình thức mua, thuê để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động có thu nhập thấp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra tình trạng giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu nhà ở xã hội, đặc biệt là đối với lực lượng công nhân, lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con, do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Nhất là vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thiếu điểm giữ trẻ an toàn cho các cháu từ 6-18 tháng tuổi.

Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Nắm bắt về những vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu, Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương đang rốt ráo tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ sẽ gắn chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển KTXH của quốc gia, địa phương. Đặc biệt, sẽ ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa thủ tục, điều kiện, cơ chế ưu đãi đầu tư, tiêu chí tiếp cận nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập Quỹ về phát triển nhà ở xã hội với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội

Về phía Bộ Xây dựng, cơ quan này cũng đề nghị các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cùng với đó, các địa phương đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Để tăng sự hấp dẫn đối với người mua nhà, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội nhà ở công nhân theo hướng ưu đãi hơn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng quy mô gói cho vay bằng việc khuyến khích thêm nhiều ngân hàng thương mại tham gia cùng với 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) đã thực hiện trong hơn 1 năm qua. Đồng thời, tăng thêm mức ưu đãi lãi suất theo hướng người vay sẽ được hưởng lãi suất khoảng 5%/năm, thấp hơn 3% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank.

Tuy nhiên, người vay chỉ được hưởng ưu đãi này trong 5 năm đầu tiên, sau đó mức ưu đãi sẽ giảm dần và sẽ kết thúc sau 10 năm để người vay không ỷ lại. Riêng doanh nghiệp làm nhà ở xã hội giữ nguyên mức ưu đãi giảm 1,5-2% so với lãi suất vay thông thường.

Đặc biệt, Quốc hội thông qua việc sớm triển khai Luật Nhà ở (sửa đổi) từ 1/7/2024 được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. So với quy định trước đây, Luật đã bổ sung thêm các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Luật Nhà ở mới cũng nới lỏng điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, người dân không cần phải đăng ký thường trú hay tạm trú như trước kia. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng rất nhiều ưu đãi khác.

Với những giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hy vọng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội sẽ được giải ngân hiệu quả, hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, bảo đảm cho người dân thu nhập thấp, người có công và gia đình người có công được chăm lo tốt về nhà ở.

"Phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ ta; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước