Khối ngoại tăng giải ngân vào thị trường Việt Nam

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/10/2024 06:55 GMT+7

VTV.vn - Làn sóng giải ngân mạnh từ khối ngoại là chất xúc tác quan trọng kích thích dòng tiền trong nước. Thanh khoản thị trường đã xuất hiện những phiên giao dịch đạt mốc tỷ đô.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế trong danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đây là nhận định trong báo cáo đánh giá thị trường tháng 10 vừa qua của tổ chức xếp hạng uy tín FTSE Russell. Song song với đó, diễn biến tích cực của tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Anh Ryuji Takai, phụ trách mảng hỗ trợ kinh doanh cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ nhận định, sự ổn định tỷ giá hối đoái đang tạo kỳ vọng tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và chất lượng doanh nghiệp niêm yết.

Anh Ryuji Takai - Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Nhật Bản cho hay: "Áp lực lên cặp tỷ giá USD/VND gần đây đã hạ nhiệt đáng kể và ổn định ở ngưỡng hợp lý hơn. Xu hướng này tạo động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tái cấu trúc và gia nhập thị trường Việt Nam".

Đến nay, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ chỉ tăng khoảng 2,1% so với thời điểm đầu năm, tức là hồi phục trên 60% trong hơn 4 tháng. Giới phân tích đánh giá, còn dư địa để tỷ giá tiếp tục điều chỉnh trong những tháng cuối năm nay.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết cho hay: "Fed đã bắt đầu giảm lãi suất rồi và sẽ còn giảm lãi suất nhiều hơn, dư địa cho vĩ mô của Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, triển vọng thị trường khả quan hơn đó là lý do vì sao khối ngoại giải ngân quyết liệt ở giai đoạn này".

Nhóm cổ phiếu bán lẻ và tiêu dùng với kết quả lợi nhuận cao trong quý 3 được dự báo sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại. Đặc biệt khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

"Ngành hàng tiêu dùng cũng là ngành hàng được kỳ vọng, nhìn vào bộ tiêu chí hiện nay của FTSE Russell thì chúng tôi đánh giá các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt, tỷ lệ sở hữu còn lại trong nhà đầu tư nước ngoài lớn thì sẽ đáp ứng được tiêu chí để mà thêm vào các sổ chỉ số", ông Hoàng Nam - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích công ty chứng khoán Vietcap chia sẻ.

Làn sóng giải ngân mạnh mẽ từ khối ngoại là chất xúc tác quan trọng kích thích dòng tiền trong nước. Kết quả là thanh khoản thị trường đã xuất hiện những phiên giao dịch đạt mốc hàng tỷ đô.

Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Smart Invest cho biết: "Có những phiên giao dịch khoảng 20.000 tỷ đồng, các nhà đầu tư sau một thời gian nghỉ, bắt đầu họ đã giao dịch tích cực hơn, đã nộp tiền trở lại, họ rút tiền từ các kênh khác để quay trở lại, những động lực cho tăng trưởng thanh khoản đã xuất hiện".

Từ đầu tháng 11, rào cản ký quỹ 100% tiền trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được gỡ bỏ. Đây là cơ sở quan trọng để FTSE Russell xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước