Khối ngoại giảm tốc bán ròng

P.V-Thứ hai, ngày 09/09/2024 21:52 GMT+7

VTV.vn - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục đáng kể sau những phiên "đỏ lửa" đầu tháng 8, khi VN-Index tăng 2,6% so với tháng trước đó.

Mặc dù giao dịch khối ngoại vẫn kém tích cực, tuy nhiên quy mô bán ròng của khối này đang có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8/2024 đạt trên 78.746 tỷ đồng, chiếm hơn 10,86% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.

Đáng chú ý, đà bán ròng của khối ngoại đang có xu hướng chững lại sau nhiều tháng bán ròng mạnh mẽ. Trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 3.278 tỷ đồng trên sàn HOSE. Con số này giảm mạnh so với tháng trước đó, khi tháng 7/2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.229 tỷ đồng.

Khối ngoại giảm tốc bán ròng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước đó, sàn HOSE ghi nhận sự rút ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Tháng 6/2024, nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 14.344 tỷ đồng; tháng 5 là hơn 14.834 tỷ đồng. Sự giảm tốc rút ròng của khối ngoại thể hiện qua cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, các quỹ ETF duy trì đà rút vốn liên tục từ đầu năm 2024, tuy nhiên xu hướng đang giảm dần theo tháng. Giá trị rút vốn trong tháng 8 ghi nhận ở mức -2.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2 tháng liền trước. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 20.550 tỷ đồng, tương đương giảm 27,1% tổng tài sản vào cuối năm 2023, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 60.480 tỷ đồng.

Áp lực rút vốn tập trung nhiều nhất ở quỹ Fubon (-975 tỷ đồng), quỹ này đã bị rút ròng mạnh trong 4 tháng liên tiếp, đưa tổng giá trị rút ròng cả năm 2024 lên -4.500 tỷ đồng (21,9% tổng tài sản). Phần lớn việc rút ròng đến từ kết quả kém tích cực của Fubon Vietnam ETF (chỉ tăng 3% so với cuối năm 2023), so với mức tăng trung bình 30% của top 10 ETF ở Đài Loan.

Quỹ DCVFM VN30 đảo chiều sang rút ròng -377 tỷ đồng trong tháng 8, trong đó riêng nhà đầu tư Thái Lan rút ròng -13,5 triệu chứng chỉ quỹ. Quỹ DCVFM VNDiamond cũng bị rút -169 tỷ đồng, tuy nhiên lực rút đã giảm đáng kể so với tháng trước. Ngoài ra, nhiều quỹ ngoại như VanEck (-169 tỷ đồng), Premia (- 263 tỷ đồng), CSOP (-77 tỷ đồng) cùng bị rút vốn trong tháng.

Ở chiều ngược lại, quỹ Xtrackers FTSE bất ngờ đảo chiều vào ròng với giá trị 105 tỷ đồng; bên cạnh KIM Growth VN30 (+78 tỷ đồng) duy trì dòng vốn vào tích cực tuy giá trị không lớn.

Đối với dòng tiền từ các quỹ chủ động, xu hướng bán ròng vẫn chủ đạo nhưng với tốc độ chậm hơn. Thống kê của SSI cho thấy, các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 8, với tốc độ hạ nhiệt hơn so với tháng 7, phần lớn đến từ việc chững lại từ nhóm Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam. Tính chung, dòng tiền rút khoảng 1.300 tỷ đồng trong tháng 8, giảm nhẹ so với mức 1.400 tỷ đồng trong tháng 7 và đưa tổng mức rút ròng trong kể từ đầu năm tới nay lên khoảng 9.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng tài sản quỹ.

Các chuyên gia của SSI cho rằng, dòng tiền khối ngoại có tín hiệu ban đầu tái cơ cấu lại. Nhóm thép đang chịu áp lực bán ròng sau giai đoạn được mua ròng mạnh trong năm 2023. Ngược lại, các nhóm tiêu dùng bao gồm bán lẻ và thực phẩm đang được duy trì mua ròng tích cực sau khi bị bán ròng nhiều trong năm trước; trong khi đó, cường độ bán ròng ở nhóm bất động sản đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Điểm đáng chú ý, trong thời gian tới là Thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV/2024.

Theo SSI, yếu tố này là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Đây cũng sẽ là một giải pháp giúp các quỹ đầu tư nước ngoài có thể xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam, bên cạnh việc luân chuyển dòng tiền đầu tư sang thị trường mới nổi trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, giá trị bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh trong tháng 8 và được kỳ vọng tiếp tục giảm trong các tháng tới, khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt và Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu quá trình giảm lãi suất từ tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nền kinh tế toàn cầu chậm lại là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước