Đang có một thực tế là nửa đầu năm nay, ngân hàng đổ vốn vào mua trái phiếu Chính phủ. Điều đó có nghĩa chính sách tiền tệ đang dồn tiền cho chính sách tài khóa. Tuy nhiên, dường như chính sách tài khóa lại chẳng thể tận dụng để đưa nguồn tiền này ra nền kinh tế. Thực tế đang cho thấy một sự thiếu nhịp nhàng trong tiền tệ và tài khóa, khiến tiền đang chạy lòng vòng.
Ngân hàng Quốc tế VIB là một trong những ngân hàng bậc trung mua mạnh trái phiếu Chính phủ trong nửa đầu năm nay. Theo ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB, đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu Chính phủ của VIB chiếm khoảng tương ứng 1/3 danh mục tín dụng của ngân hàng.
Mới 7 tháng đầu năm, lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc đấu thầu thành công đã bằng hơn 84% kế hoạch cả năm, tăng mạnh so với cùng kỳ 2 năm trước. Trong đó, có đến trên 80% là do các Ngân hàng thương mại mua vào.
Lý giải cho xu hướng chuộng trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng cho biết đó là do không thể cho vay doanh nghiệp nên ngân hàng đành đổ nhiều tiền hơn vào trái phiếu. Lợi tức tuy thấp nhưng an toàn.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Ngân hàng phân tích: “Các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nhiều hơn, tăng lên so với trước, mức độ tăng từ 5 - 7%. Về cơ bản cũng là do đầu ra tín dụng vẫn còn thấp, đặc biệt là năm ngoái và năm nay”.
Về lý thuyết, để bơm tiền ra nền kinh tế có thể qua hệ thống ngân hàng, cũng có thể là tiền Chính phủ tài trợ các dự án từ nguồn tiền trái phiếu. Tuy nhiên, hiện tại việc bơm tiền ra nền kinh tế giống như một chiếc phin cà phê. Các ngân hàng rót tiền vào trái phiếu Chính phủ tăng đột biến nhưng lượng tiền ra được với nền kinh tế lại nhỏ giọt. Điều này được chứng minh bằng 94.000 tỷ VND hiện vẫn đang nằm im chưa được giải ngân trong kho bạc.
Ông Võ Chí Thành - Chuyên gia Kinh tế vĩ mô nhận định: “Con số 94.000 tỷ VND này là biểu hiện chưa đạt được nỗ lực trong phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ giữa tín dụng và giải ngân các nguồn ngân sách cho phát triển”.
Việc chính sách tiền tệ và tài khóa chưa ăn khớp nhịp nhàng đang khiến tiền chưa lưu thông đến đúng nơi cần và chưa hỗ trợ được tăng trưởng. 80% lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc phát hành là do các NHTM ôm vào. Và như vậy, một lượng tiền lớn đang bị đẩy lòng vòng trong hệ thống, thay vì đẩy ra nền kinh tế.