Tiền công riêng cho việc chặt mía đã chiếm từ 250.000 - 300.000 đồng/tấn. Trong khi đó, hiện tại giá thu mua ở vùng nguyên liệu mía Khánh Hòa chỉ là 720.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường. Như vậy, sau khi bán mía, một nửa tiền đã phải trả cho công thu hoạch, còn lại là tiền công bốc vác, tiền ứng trước cho nhà xe vận chuyển, đầu tư phân bón.
Tại vùng nguyên liệu mía hơn 1.000ha ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, năng suất mía chỉ đạt 40 tấn/ha. Đây là những gì người nông dân phải gánh chịu từ một vụ mía hết nắng hạn lại đến mưa bão. Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ mía ngay từ đầu vụ đã rất ảm đạm. Giá mía thấp, cách thức thu mua từ phía các nhà máy lại càng khiến cho nông dân đã khó lại càng thêm khó. Nhiều người không xoay xở được xe vận chuyển mía nên buộc phải chấp nhận cảnh mía nằm chờ dưới nắng.
Tình cảnh lúc này của người trồng mía là kết cục khó tránh khỏi khi trong nhiều năm qua, ngành mía đường Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán sản xuất không hiệu quả. Ngoài ra, công nghệ chế biến còn lạc hậu, 300.000ha mía trên cả nước đa phần năng suất chỉ từ 50 - 70 tấn, mía thường nằm dưới 10 chữ đường, thua xa với sản xuất mía đường của các nước trong khu vực. Vì vậy, nếu giá mua thấp hơn, nông dân sẽ không có lãi. Còn nếu mua giá cao hơn, các nhà máy đường càng khó cạnh tranh với sản phẩm đường của những nước khác trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!