Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020

Huy Hoàng-Thứ hai, ngày 17/08/2020 20:01 GMT+7

VTV.vn - Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 28% kế hoạch.

Báo cáo mới nhất của Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm nay, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg

Như vậy, trong 5 tháng cuối năm 2020, 91 doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải thực hiện cổ phần hoá theo kế hoạch đã đặt ra. Nhưng kết quả liệu có khả thi không khi từ năm 2017 đến nay, mới chỉ có 37 doanh nghiệp được cổ phần hoá, tỷ lệ là 28%. Vậy liệu 72% còn lại này có thể hoàn thành trong 5 tháng cuối năm hay không?

Ông Đỗ Bảo Ngọc Phó Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Kiến thiết cho biết: "Gần như chắc chắn 100% kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm nay là không thể đạt được, cũng giống như kịch bản của những năm trước đây, tiến trình đó cho thấy một kế quả đáng thất vọng, tình hình kinh tế, chứng khoán, dịch bệnh như năm nay càng có thêm lý do để các doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ trong cổ phần hoá".

Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 - Ảnh 1.

Ông Đỗ Bảo Ngọc Phó Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Kiến thiết: "Gần như chắc chắn 100% kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm nay là không thể đạt được".

Trong số 91 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hoá trong năm 2020, TP.HCM phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, chiếm 40%; Hà Nội với 13 doanh nghiệp, chiếm 14%; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có 6 doanh nghiệp, còn lại ở các Bộ ngành. Theo các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân vì COVID-19 thì còn nằm ở trong chính nội tại các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP chứng khoán Kiến thiết cho biết thêm: "Doanh nghiệp Nhà nước có kết quả kinh doanh không tốt, nhiều năm nay thua lỗ giá trị sổ sách âm rồi. Dù vậy vẫn phải cổ phần hoá theo kế hoạch. Đây là khó khăn của nhiều doanh nghiệp khi không có nhà đầu tư quan tâm, mà nếu quan tâm cũng ko thể mua ở mức giá cao hơn tình hình yếu kém của doanh nghiệp".

Ngoài ra, theo ông Đỗ Thái Hưng, Tổng Giám đốc điều hành, CTCP Đầu tư Finpros, sự chậm trễ trong cổ phần hoá còn đến từ chính những người đại diện phần vốn của Nhà nước bởi lẽ hiện nay chưa có áp lực cho người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đó, chưa có mốc cụ thể, chưa có các tiêu chí cụ thể gắn với trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước nên quá trình cổ phần hoá đình trệ.

Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thái Hưng Tổng Giám đốc điều hành, CTCP Đầu tư Finpros: "Chưa có áp lực cho người đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước".

Dù còn những khó khăn được doanh nghiệp nêu ra như định giá tài sản, đặc biệt là đất đai, tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần sự quyết tâm từ các địa phương và Bộ ngành.

"Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao cụ thể ở các văn bản, các chỉ thị. Ban chỉ đạo đổi mới có họp định kỳ và có chỉ đạo quyết liệt, vậy nên, bản thân các doanh nghiệp, Bộ ngành và Uỷ ban cần triển khai quyết liệt", ông Phạm Văn Đức cho biết.

Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2020 - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính: "Bản thân các doanh nghiệp, Bộ ngành và Uỷ ban cần triển khai quyết liệt".

Nếu những cái tên như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Agribank được cổ phần hoá theo kế hoạch, sẽ vừa giúp hút dòng vốn ngoại rất lớn vừa góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước