Khi vàng đen "thất thủ"

Như Anh (Tổng hợp: CNBC, Financial Times, Marketwatch, New York Times, Reuters)-Thứ tư, ngày 22/04/2020 17:55 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu thô WTI giao tháng 5 xuống mức âm chỉ là 1 trong những tín hiệu báo động đối với ngành dầu mỏ của Mỹ và toàn cầu.

"Tôi không biết phải nói thế nào về giá dầu nữa. Chỉ có thể nói rằng, bất kể là đứa trẻ mới 20 tháng tuổi, hay ông già 120 tuổi, thì đây cũng sẽ là lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy giá dầu thấp đến như vậy" - nhận định của ông Tom Kloza-chuyên gia phân tích giá dầu thị trường thế giới tại Oil Information Service, với 40 năm kinh nghiệm- sau khi dầu thô WTI của Mỹ xuống mức âm 37.63 USD vào thứ Hai đầu tuần.

30 triệu thùng dầu "dư"

Nói một cách đơn giản, mỗi ngày, ngành công nghiệp dầu mỏ đang sản xuất "dư" 30 triệu thùng dầu so với nhu cầu hiện tại của thế giới. Ngay cả khi chính phủ liên bang Mỹ nhảy vào cứu trợ bằng cách mua dầu, thì họ cũng chỉ hấp thụ được nửa triệu thùng mỗi ngày. Tức là ít hơn 2% số dầu "dư thừa".

Khi vàng đen thất thủ - Ảnh 1.

Ai thắng? Ai thua?

Theo chuyên gia nghiên cứu năng lượng Christian Malek của JP Morgan, thì Nga và Arập Xêút, đặc biệt là Arập Xêút, là những kẻ tạm thời thắng cuộc khi WTI trượt giá. Riyadh đã kịp thời bán ra lượng dầu lớn khi vẫn còn được giá, và khi dầu xuống giá thì họ đã kịp cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên các quốc gia này cũng chưa nên đắc ý, khi mà không chỉ WTI, mà các loại dầu thô khác, có cả Brent cũng đang ráo riết nối đà giảm mạnh. Hướng ra khả quan nhất bây giờ chính là OPEC+ phải cắt giảm sâu hơn nữa trong cuộc họp diễn ra vào ngày 10/6 tới đây. Ông Malek cho rằng Riyadh nên cắt giảm chỉ còn 6 triệu thùng một ngày.

Nhận định về giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) xuống mức âm, tức là người bán phải trả tiền thêm cho người mua để người mua tới mang dầu đi, báo chí quốc tế nhất loạt đều dùng từ "unprecedented"- "chưa từng có tiền lệ." Quả thực, nhìn vào biểu đồ giá dầu từ năm 1983 tới nay, dễ hiểu tại sao những chuyên gia "lão làng" trên thị trường cũng phải kinh ngạc trước cú lao dốc lịch sử của dầu thô WTI trong phiên giao dịch đầu tuần.

Khi vàng đen thất thủ - Ảnh 2.

Giá dầu thế giới (theo đơn vị USD/thùng) từ năm 1983 (Nguồn: Refinitiv và Financial Times)

WTI là loại dầu được khai thác tại Mỹ, thường được dùng để tinh chế xăng, và giao dịch trên sàn hàng hoá New York (NYMEX). Như vậy, việc dầu WTI hợp đồng giao tháng 5 giao dịch ở mức âm, cho thấy các nhà đầu tư đang dự đoán nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cực thấp, ít nhất là tại Mỹ. Điều này có nhiều nguyên nhân, một là giá dầu vốn đang trên đà giảm trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Lần cuối cùng dầu WTI đạt trên mức 70 USD/thùng cũng đã từ giữa tháng 10/2018. Nguyên nhân thứ 2, không gì khác, chính là dịch COVID-19, khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng "bế quan toả cảng". Mọi nhu cầu đi lại, tiêu thụ dịch vụ và nhiên liệu đều bị "đóng băng".

Nơi cất giữ "vàng đen"

Chỉ mới vài tháng trước, nước Mỹ còn tự hào khi lần đầu sau nhiều năm đạt được "sự tự chủ" về dầu - khi trở thành nước khai thác dầu mạnh nhất thế giới. Nhưng thời điểm dịch bệnh này, dầu trở nên "tràn trề" và không có chỗ cất giữ, không chỉ tại Mỹ, mà trên toàn cầu. Nhiều kho chứa dầu trên cạn và ngoài khơi đều hết chỗ. Địa điểm giao nhận dầu quan trọng nhất của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, được cho là chỉ vài tuần nữa thôi cũng sẽ kín chỗ.

Khi vàng đen thất thủ - Ảnh 3.

Một giếng dầu tại Mỹ

Chính quyền Tổng thống Trump muốn mua lại dầu thô, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua khoản chi này. Và trong trường hợp không thể cất giữ dầu thô tại các tàu dầu ngoài biển khơi, thì nhiều khả năng các nhà khai thác sẽ phải bắt đầu tính tới chuyện đóng cửa các giếng dầu. Nhưng hành động này sẽ khiến các giếng dầu bị tổn hại và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi sản lượng trong tương lai - một khi dịch bệnh qua đi. Nói tóm lại, đây là một viễn cảnh "ác mộng" đối với ngành dầu mỏ Mỹ chỉ mới mấy tháng trước còn phát triển vũ bão.

Cơn ác mộng với các giếng dầu

"Tôi đang sống trong một cơn ác mộng". Đây là lời của ông Ben Sheppard, Chủ tịch của Hiệp hội xăng dầu Permian Basin, đại diện cho các công ty trong cả vùng Texas và New Mexico, vùng có sản lượng dầu lớn nhất thế giới năm ngoái.

Khi vàng đen thất thủ - Ảnh 4.

Một công nhân nhà máy lọc dầu tại Midland, Texas, Mỹ

Công nhân tại nhà máy lọc dầu Marathon ở Gallup đang tắt van. Các công ty dầu khí ở Tây Texas đang trả phí chấm dứt sớm hợp đồng người lao động, thay vì khoan giếng mới. Và tại Montana, các nhà sản xuất đang đóng cửa giếng, cắt giảm lương và lợi ích. Các thành viên hội đồng quản trị các công ty làm việc từ xa, vò đầu bứt tai hối thúc nhau đưa ra các phương án cho nhân viên nghỉ việc và đóng cửa các nhà máy. Những người "khổng lồ" của ngành như Exxon Mobil đã phải "chặt chém" kinh phí thám hiểm và khai thác của năm nay xuống chỉ còn 2/3. Và tất cả những biện pháp này được thực hiện còn trước cả khi giá dầu sụp đổ.

Đương nhiên, các công ty khai thác nhỏ hơn thì chỉ còn biết đâm đơn xin hỗ trợ trong trường hợp phá sản. Nhiều năm qua họ đã phải vay nợ hàng tỷ USD để có thể duy trì hoạt động khai thác và di chuyển dầu thô. Các công ty sản xuất dầu có khoản nợ 86 tỷ đô la đến hạn từ nay đến năm 2024. Các công ty đường ống dẫn dầu có 123 tỷ USD nợ mà họ phải trả hoặc tái cấp vốn trong cùng thời gian.

Quá ít, quá chậm

Cuối tuần trước, thị trường đã có một chút ánh sáng le lói khi tổng thống Mỹ Donald Trump thành công trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên OPEC + cắt giảm sản lượng tới 9.7 triệu thùng/ngày. Nhưng như đã thống kê ở trên, lượng dầu dư mỗi ngày trên thế giới hiện lên tới 30 triệu thùng, chưa kể, thoả thuận cắt giảm này tới 1/5/2020 mới có hiệu lực. Có thể thấy nỗ lực của OPEC+ và ông Trump là quá ít, và quá muộn..

Cho tới khi "giông bão" qua đi, thì nhiều công ty lớn nhỏ quả thật không còn cách nào khác là đóng cửa các giếng dầu. Công nhân sẽ phải xử lý các giếng bằng chất hoá học để đảm bảo giếng sẽ không bị hư hại sau khi dầu ngừng chảy. Và không ai dám chắc, là một cái giếng dầu sau khi bị đóng thì lúc mở lại có cho sản lượng như trước kia hay không.

Ông Patrick Montalban, chủ tịch của một công ty dầu khí với hơn 200 giếng, thì đã chấp nhận cắt giảm 50% lương. Và ông này chia sẻ, bây giờ ông đành phải hài lòng với việc tích trữ một loại chất lỏng khác - không phải là dầu, mà là những chai rượu vang giá 6 đô la Mỹ để có thể giải khuây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước