Khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng

Quang Hưng - Sơn Tùng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ năm, ngày 26/11/2015 11:30 GMT+7

DN dệt may cần tìm hiểu rõ quy định về nguồn gốc xuất xứ. Hình minh họa

VTV.vn - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương.

Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO đến nay đã phải tiếp nhận hơn 100 vụ kiện của các nước khác nhau về bán phá giá, trong đó nhiều nhất là doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đây là một trong những vấn đề tất yếu mà những nước chưa được công bố là nền kinh tế thị trường như Việt Nam gặp phải. Khi TPP có hiệu lực, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ. Do vậy nguy cơ bị kiện bán phá giá sẽ tăng lên, yếu tố này có thể làm mất đi những lợi thế mà TPP mang lại cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương, cho biết: ‘TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng lên, nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp cũng nhiều hơn. Khi xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Việt Nam lại chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường thì chúng ta sẽ gặp bất lợi’.

Tại Hội thảo ‘Cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường và gia nhập TPP’ vừa diễn ra tại Hải Phòng, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ việc Mỹ và một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong đó đáng lưu ý nhất là doanh nghiệp phải lưu giữ những chứng từ, sổ sách liên quan một cách rõ ràng, đầy đủ và minh bạch, từ đó chứng minh không có sự gian lận về giá.

Ông Nguyễn Duy Khiên cũng khuyến nghị: ‘Đầu tiên phải nâng cao năng lực sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giá thành cạnh tranh khi điều tra không có chuyện bán phá giá. Thứ hai, đầu ra tránh cạnh tranh bằng giá là đương nhiên. Thứ ba là các DN phải lưu giữ, ghi chép sổ sách kế toán đầy đủ và rõ ràng, để khi bị chỉ định bắt buộc điều tra thì sẽ cung cấp được đầy đủ thông tin’.

Bên cạnh đó, để tìm lợi thế trong TPP, các doanh nghiệp cần phải đoàn kết, chia sẻ thông tin và phải tìm hiểu rõ quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là đối với hàng dệt may.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tự chứng minh sự minh bạch của các doanh nghiệp là rất quan trọng, một mặt sẽ tạo niềm tin với các đối tác, mặt khác sẽ tạo thuận lợi trong việc vận động Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước