Không chỉ vào hè, từ dịp lễ 30/4 - 1/5, nhiều người đã có xu hướng đi du lịch nước ngoài. Thời điểm đó, không ít công ty lữ hành cũng đã dự báo thị trường du lịch nước ngoài dịp hè sẽ sôi động hơn nội địa.
Nếu những năm trước, lượng khách đặt tour du lịch nội địa chiếm 70 - 80%, thì năm nay, doanh nghiệp lữ hành cho biết, tỷ lệ này chỉ là 50%, 50% còn lại thuộc về khách đặt tour đi nước ngoài.
Trong đó, Trung Quốc là lựa chọn của nhiều du khách khi quốc gia này vừa mở cửa du lịch trở lại từ giữa tháng 3.
"Một làn sóng về du lịch Trung Quốc tăng rất mạnh mẽ, đặc biệt một số tuyến như Lệ Giang, Shangrila, Phượng Hoàng Cổ trấn, những tour đi bằng đường bộ… Nó có giá rất hấp dẫn, dưới 10 triệu, nên hút được lượng khách rất lớn", ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty VietSense Travel, cho biết.
Du khách Việt tham quan điểm đến ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: NLĐ)
Còn với Công ty Vietravel, họ dự kiến sẽ phục vụ hơn 350.000 lượt khách trong dịp hè năm nay. Trong đó, du khách cũng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các tour nước ngoài hơn tour trong nước. Một trong những nguyên nhân được cho là vì giá vé máy bay nội địa tăng, đẩy giá tour trong nước tăng theo.
"Năm nay, giá tour nội địa cũng có những chuyển biến tăng lên nên khách hàng có xu hướng chọn tour nước ngoài. Ví dụ như tour Thái Lan chỉ hơn 6 triệu, tour Đài Loan giá 12 triệu… được khách hàng lựa chọn nhiều", bà Lưu Thùy Dung, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Vietravel chi nhánh Hà Nội, cho hay.
Ngoài yếu tố chi phí, theo các doanh nghiệp trong ngành, nhu cầu đi nước ngoài tăng do các điểm đến trong nước dần trở nên quen thuộc, nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ của du khách ngày một tăng. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia giờ cũng đã mở cửa hoàn toàn.
"Năm 2023 này, thị trường quốc tế đã mở cửa gần như hoàn toàn nên du khách Việt Nam có nhiều cơ hội đi du lịch nước ngoài. Các tuyến như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu… đã mở toàn bộ", ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, thông tin.
Theo khảo sát của Outbox Company, đối với mảng du lịch ra nước ngoài, du khách Việt ưu tiên lựa chọn điểm đến tại châu Á. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì mức độ hấp dẫn hàng đầu đối với thị trường Việt Nam. Ở các vị trí tiếp theo là Thái Lan, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
57% du khách Việt muốn đi du lịch nước ngoài
Tour nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn tại các doanh nghiệp lữ hành. Hầu như ở trong nước, người dân chủ yếu đi tự túc. Những điểm đến cũng đã quá quen thuộc. Thị trường du lịch nội địa tiềm năng của các đơn vị lữ hành có xu hướng tập trung chủ yếu ở phân khúc doanh nghiệp và tour khuyến mãi.
Ngược lại với các chuyến đi trong nước, du khách Việt vẫn duy trì thói quen đi du lịch nước ngoài với các công ty lữ hành, đặc biệt đối với những điểm đến xa đòi hỏi visa.
Theo khảo sát của Outbox Company, 69,25% khách Việt được khảo sát coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên; 57% khách Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu do dịch COVID-19.
Những điểm đến hàng đầu của du khách Việt là các nước Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan do có nhiều điều kiện thuận lợi về thủ tục, thị thực đơn giản hơn, giá cả phải chăng và giao thông thuận tiện.
Lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc tăng mạnh
Thực tế ghi nhận, lượng du khách Việt đến Hàn Quốc cũng đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Chị Thanh Thủy đã có 15 năm làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch cho du khách Việt Nam tại Busan, Hàn Quốc.
Sau khoảng thời gian công việc bấp bênh vì chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nay, chị lại tất bật như xưa.
"Sau dịch, khi du lịch phát triển lại, khách Việt Nam sang đông, tôi làm việc được nhiều hơn và thu nhập cũng cải thiện hơn", chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ.
Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, tính đến đầu tháng 6, khoảng 163.000 lượt khách Việt Nam đến với xử sở kim chi. Con số này đã hồi phục 73% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.
"Mình thích nghe nhạc Hàn Quốc. Đây cũng là nguyên nhân khá lớn khiến mọi người học tiếng Hàn hay lựa chọn đi du lịch Hàn Quốc", chị Thùy Dung, du khách, chia sẻ.
Hàn Quốc là một trong những điểm đến nước ngoài được du khách chọn lựa. (Ảnh: NLĐ)
Từ ẩm thực, phim ảnh, cho tới âm nhạc…, có thể thấy, làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) đã kéo một lượng lớn du khách Việt Nam đến xứ sở kim chi.
Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp và địa phương làm du lịch tại đây cũng nhanh chóng đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
"Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm du lịch gắn với chủ đề liên quan đến K-Drama - là một trong những chủ đề vô cùng hot ở giai đoạn hiện tại với việc trải nghiệm các điểm quay của các bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng. Busan cũng là quê hương của 2 thành viên nhóm nhạc BTS - Jimin và Jungkook. Do đó, chúng tôi đã và đang thực hiện các tour du lịch mang tên BTS Tour", ông Lee Do Yeon, Công ty du lịch Local Travel Lab, Busan, Hàn Quốc, cho biết.
"Gần đây văn hóa Hàn Quốc đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, vì vậy chúng tôi cũng đang tận dụng điều này để quảng bá Busan. Chúng tôi đang hỗ trợ chi phí sản xuất để Busan xuất hiện trong các bộ phim truyền hình được phát sóng trên các nền tảng xem phim trực tuyến. Nếu những bộ phim này được công chiếu trên toàn thế giới thì sẽ có nhiều người biết đến Busan hơn", ông Moon Young Bae, Trưởng phòng Marketing toàn cầu, Cục Xúc tiến du lịch TP Busan, Hàn Quốc, thông tin.
Mới đây, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã công bố danh sách 100 điểm du lịch đáng đến nhất tại xứ sở kim chi, với mong muốn đạt 550.000 lượng khách du lịch đến từ Việt Nam trong năm nay, ngang bằng thời điểm trước dịch COVID-19.
Có thể thấy, đi du lịch nước ngoài là nhu cầu có thực của người Việt. Xu hướng này cũng góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, thực tế này đã đặt ra 2 câu hỏi lớn đối với ngành du lịch Việt Nam, đó là: "Làm thế nào để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn?" và "Làm gì để người Việt đi du lịch Việt nhiều hơn?".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!