Khác biệt giữa các ngân hàng trung ương về định hướng năm 2024

VTV Digital-Thứ hai, ngày 18/12/2023 17:13 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù các ngân hàng trung ương đồng loạt giữ nguyên lãi suất hiện hành, nhưng quan điểm của các nhà điều hành chính sách tiền tệ về năm 2024 đã có nhiều sự khác biệt.

Tuần qua, các thị trường đặc biệt chú ý đến việc 3 ngân hàng trung ương lớn của Mỹ, Anh và châu Âu đều đồng loạt đưa ra quyết định lãi suất chỉ trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, trong khi vẫn đồng loạt giữ nguyên lãi suất hiện hành, quan điểm của các nhà điều hành chính sách tiền tệ về năm 2024 đã có nhiều sự khác biệt - vì sao lại như vậy?

Trong 2 năm qua, khi đều phải ứng phó với lạm phát cao, quyết định thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn là khá tương đồng. Tới cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiên phong chuyển hướng, với tuyên bố của chủ tịch Jerome Powell rằng "lãi suất hiện đã đạt đỉnh", cũng như phát tín hiệu có thể giảm lãi suất trong năm sau.

Dù vậy, quan điểm này đã không được chia sẻ bởi các đồng nghiệp của ông Powell phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Các lãnh đạo của cả ECB lẫn BOE đều cho rằng, dù giữ nguyên lãi suất nhưng họ chưa có kế hoạch cắt giảm nào cho năm 2024.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Ở giai đoạn này, chúng tôi không có thảo luận nào về việc cắt giảm lãi suất".

Ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cho hay: "Chúng tôi được khích lệ với những tiến triển hiện nay của lạm phát, nhưng bây giờ vẫn là quá sớm để bắt đầu dự đoán thời điểm cắt giảm lãi suất".

Khác biệt giữa các ngân hàng trung ương về định hướng năm 2024 - Ảnh 1.

Quang cảnh tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC. (Ảnh: THX)

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia nhận định rằng, mối lo ngại của ECB hay BOE không chỉ nằm ở chỉ số lạm phát lõi, mà còn trong thị trường lao động - một yếu tố quan trọng có thể góp phần duy trì lạm phát dai dẳng.

Ông Sebastian Vismara - Chuyên gia kinh tế, Hãng quản lý đầu tư BNY Mellon đánh giá: "FED đang được hưởng lợi, khi đà tăng của tiền lương lại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể trong năm nay dù thị trường lao động vẫn ổn định. Trong khi đó tình hình với ECB và BOE là đáng lo ngại hơn, như tăng trưởng tiền lương tại Anh hiện là 7 - 8%, một con số rất cao",

Dù vậy, các chuyên gia cũng đánh giá, tín hiệu "không đồng nhất" hiện nay của giới ngân hàng trung ương có thể chỉ là ngắn hạn, khi lạm phát vẫn đang hạ nhiệt về mức mục tiêu 2% một cách ổn định.

Ông Sebastian Vismara - Chuyên gia kinh tế, Hãng quản lý đầu tư BNY Mellon cho rằng: "ECB có thể sẽ chờ dữ liệu về tiền lương vào đầu năm sau để đưa ra đánh giá tiếp theo. Tôi nghĩ rằng có thể sẽ có một số biến động ngắn hạn khi lãi suất giữ nguyên hay tăng nhẹ, nhưng cuối cùng sẽ có các đợt cắt giảm trong phần còn lại của năm 2024".

Bước sang năm tới, cân bằng giữa đảm bảo tăng trưởng và ngăn chặn lạm phát đi lên trở lại, đang được xem là bài toán quan trọng với các ngân hàng trung ương lớn. Cả FED và ECB đều kỳ vọng có thể đưa lạm phát về mốc 2% vào năm 2025, đồng thời các quan chức FED đang dự đoán về khả năng sẽ có 3 lần hạ lãi suất năm sau, giúp kinh tế Mỹ đi đúng kịch bản "hạ cánh mềm".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước