Kết nối hoàn chỉnh trục đường Hồ Chí Minh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 08/06/2024 07:17 GMT+7

VTV.vn - Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công tuyến cuối cùng của dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang.

Dự án đường Hồ Chí Minh theo trục phía Tây của đất nước, kéo dài gần 3.200 km dọc theo đường biên giới đất liền với điểm đầu tại Pác Bó, Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, Cà Mau. Sau nhiều năm triển khai, phần lớn dự án đã được vào khai thác. Sáng ngày 7/6, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công tuyến cuối cùng của dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang, qua đó giúp kết nối hoàn chỉnh trục giao thông quan trọng này.

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn có tổng chiều dài 29 km. Điểm đầu tại Chợ Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên và điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, công tác thi công đã sẵn sàng.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Về phía địa phương đã chuẩn bị đủ, đảm bảo các điều kiện, đặc biệt là công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình".

Ông Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chia sẻ: "Hiện nay, nhà thầu đã huy động thiết bị, tư vấn giám sát đã lên và bắt đầu xây dựng lán trại và các phòng thí nghiệm".

Cam kết của chủ đầu tư sẽ huy động tối đa nhân lực và máy móc để hoàn thành đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn ngay trong năm sau.

Cùng với tuyến Quốc lộ 1A đang lưu thông xuyên suốt, hiện cả nước đang đồng loạt triển khai ba dự án giao thông quan trọng. Đó là đường ven biển, đường cao tốc Bắc Nam và đường Hồ Chí Minh. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nối từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến Cà Mau, tạo nên sự liên kết thông suốt giữa các tỉnh thành phố trên cả nước.

Năm 2024, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ lên tới 422.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 vốn đầu tư công của cả nước. Việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công và đưa các dự án giao thông vào khai thác sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới.

Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Không chỉ làm một số tuyến đường mà xử lý theo tinh thần hệ thống các tuyến cao tốc, các đường lớn nối các vùng miền tại những vùng trọng điểm, các tuyến vành đai, tạo ra một khí thế phát triển".

Trong năm nay, riêng Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải giải ngân khoàng 73.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Yêu cầu của lãnh đạo bộ với các đơn vị sẽ không dừng ở mốc chung khoảng 95% mà sẽ phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công được giao trong năm nay. Đây là cơ sở để ngay trong năm sau sẽ đưa nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam vào khai thác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước