Kazakhstan - Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 04/09/2024 06:59 GMT+7

Ông Kanat Tumysh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam

VTV.vn - Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với ông Kanat Tumysh, Đại sứ ĐMTQ Kazakhstan tại Việt Nam về hợp tác giữa Việt Nam - Kazakhstan trong lĩnh vực vận tải, thương mại.

Với vị trí địa lý thuận lợi để làm cầu nối khu vực Á - Âu, Kazakhstan đã trở thành trung tâm vận tải và trung chuyển toàn cầu hiện đại, kết nối các thị trường lớn như Đông Nam Á, Trung Quốc, các nước Trung Á, Liên minh Kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu bằng đường bộ, đường sắt và cảng trên biển Caspi. Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì và thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan như thế nào trong lĩnh vực vận tải, thương mại? Đây là những nội dung được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh đề cập trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thời báo VTV.

PV: Trong những năm qua, Kazakhstan đã đầu tư và phát triển lĩnh vực vận tải như thế nào để tận dụng vị trí địa lý của mình làm cầu nối khu vực Á – Âu, thưa ông?

Đại sứ Kanat Tumysh: Kazakhstan hiện là đầu cầu kinh tế ở khu vực Trung Á, là quốc gia lớn thứ 9 thế giới và dân số hơn 20 triệu người. Kazakhstan có kế hoạch tăng gấp đôi GDP lên 450 tỷ USD vào năm 2029. Đất nước chúng tôi hướng đến việc tạo ra môi trường đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới và đã từng bước tiến gần tới mục tiêu này. Tổng cộng có khoảng 45.000 công ty có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng lợi từ việc kinh doanh tại Kazakhstan.

Là một quốc gia không giáp biển, Kazakhstan đang hướng tới trở thành một quốc gia kết nối trên cạn. Chúng tôi cũng sẽ làm mọi thứ cần thiết để tận dụng được vị trí địa lý của mình kết nối các quốc gia và khu vực. Kazakhstan nằm ở nơi giao thoa giữa 2 miền Bắc và Nam cũng như Đông và Tây. Đây là một lợi thế đáng kể mở ra nhiều triển vọng rộng lớn. Ngành vận tải và logistics phải trở thành một nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tiếp tục hợp tác với những đối tác thương mại quan trọng của Kazakhstan như ASEAN, Trung Quốc, EAEU, EU và Mỹ.

Kazakhstan - Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu - Ảnh 1.

Kazakhstan có nhiều tiềm năng phát triển ngành vận tải và logistics (Ảnh: INSTC)

PV: Tuyến vận tải đường sắt xuyên Caspi nối Á - Âu được đánh giá có vai trò rất quan trọng với Kazakhstan. Xin ông có thể chia sẻ thêm về tuyến vận tải này cũng như tiềm năng phát triển về vận tải và logistics của Kazakhstan?

Đại sứ Kanat Tumysh: "Hành lang giữa" hay còn gọi là tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR) nối ASEAN và Trung Quốc với Liên minh châu Âu mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư. Tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian cần thiết cũng như giảm chi phí để vận chuyển hàng hóa qua Ấn Độ Dương. Việc tận dụng được tiềm năng vận tải của tuyến đường này mang tầm quan trọng chiến lược. Những sáng kiến tương tự trong khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và quan hệ liên vùng.

Kazakhstan - Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu - Ảnh 2.

Tuyến vận tải xuyên Caspi (Ảnh: The Astana Times)

Chúng tôi hiện đang tiến hành xây dựng những cảng cạn và các nhà ga mới dọc theo tuyến "Hành lang giữa", tiến hành các bước để đẩy nhanh việc xây dựng những trung tâm container và mở rộng công suất của cảng. Đây là minh chứng cho các sáng kiến quốc gia của chúng tôi kết hợp với Con đường tơ lụa mới, hay còn gọi là cầu nối Á - Âu. Giúp chúng tôi kết nối với các đối tác ở các nước Đông Nam Á cũng như châu Âu đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển hơn.

Nhìn chung, Kazakhstan dự định củng cố vị thế của mình như một trung tâm trung chuyển ở khu vực Á - Âu và trở thành một cường quốc trong lĩnh vực vận tải và logistics. Sự phát triển năng động của lĩnh vực này là một nhiệm vụ chiến lược trong 3 năm tới để tỷ trọng của ngành vận tải và logistics trong GDP sẽ đạt ít nhất 9 đến 10%, tăng từ mức 6,2% vào 2022.

PV: Với mối quan hệ lâu bền giữa Việt Nam - Kazakhstan, ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác giữa 2 nước thông qua tuyến vận chuyển Á – Âu?

Đại sứ Kanat Tumysh: Giữa Kazakhstan và Việt Nam có một mối quan hệ lịch sử rất sâu sắc từ thời kỳ Con đường tơ lụa. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã được phát hiện khi khai quật tại Trung Á, đồ vật sản xuất tại Trung Á cũng được tìm thấy tại Việt Nam. Chúng ta cũng có mối quan hệ hợp tác lâu bền trong cả lĩnh vực kiến trúc.

Vào thời kỳ khó khăn của Việt Nam, Kazakhstan khi đó còn là nước cộng hòa thành viên của LBCHXHCN Xô Viết, cũng đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về kỹ sư, thợ xây, cố vấn quân sự, thiết bị quân sự, nhu yếu phẩm cũng như cử các chuyên gia, cán bộ y tế để giúp đỡ Việt Nam. Kazakhstan cũng rộng mở cánh cửa tiếp đón các sinh viên, công dân Việt Nam có mong muốn học tập và làm việc tại Kazakhstan.

Tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để chúng tôi và Việt Nam hợp tác kinh tế bởi vì Kazakhstan chiếm 80% tổng khối lượng vận tải hàng hóa trong lục địa giữa Trung Quốc và châu Âu; cung cấp tuyến đường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu và ngược lại. Tôi cũng mong muốn Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc di chuyển hàng hóa sang thị trường châu Âu khi sử dụng tuyến đường vận tải Á - Âu.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan vào tháng 8/2023, hai quốc gia đã ký kết Kế hoạch hợp tác kinh tế - thương mại giai đoạn 2023 - 2025, ký kết thỏa thuận về miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông. Ngoài ra, trước đây giữa các địa phương của 2 nước cũng đã ký kết hiệp định về thiết lập mối quan hệ anh em như giữa thủ đô Hà Nội và thủ đô Astana, TP Hồ Chí Minh và thành phố Almaty. Hiện nay đang diễn ra các cuộc đàm phán để ký kết hiệp định về thiết lập mối quan hệ anh em giữa các tỉnh thành khác của hai nước. Ví dụ như giữa TP Aktau và TP Đà Nẵng, tỉnh Đông Kazakhstan và tỉnh Bắc Ninh, TP Almaty và tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Turkestan và tỉnh Quảng Ninh...

Kazakhstan - Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu - Ảnh 3.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Kazakhstan cũng mong muốn trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho Việt Nam sang châu Âu. Chúng tôi tin rằng, tuyến vận tải từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kazakhstan và thế giới Turkic tới châu Âu sẽ mang lại nhiều tiềm năng to lớn. Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ sớm hiện đại hóa các tuyến đường sắt của mình tại các khu vực giáp với Trung Quốc.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh các công ty Việt Nam tích cực khai thác tiềm năng của tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi. Chúng tôi mong rằng thị trường Kazakhstan sẽ chào đón các sản phẩm của Việt Nam tích cực, ví dụ như taxi điện của Vinfast để mở ra cơ hội sản xuất xe điện Vinfast tại Kazakhstan trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của các nước trong khu vực.

PV: Hiện Việt Nam đang nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ông đánh giá thế nào về vai trò của dự án đối với Việt Nam?

Đại sứ Kanat Tumysh: Tôi biết rằng, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang tính chiến lược rất quan trọng và sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế về cạnh tranh. Hiện tại nhiều nước ASEAN đang sử dụng con đường đi qua Lào và Trung Quốc để tới châu Âu.

Tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ giúp công dân Việt Nam thuận lợi trong việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Đường sắt có rất nhiều ưu điểm so với vận chuyển đường hàng không hay đường biển, đường bộ bởi đường sắt luôn đúng giờ và có thể vận chuyển qua nhiều khu vực hiểm trở, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn so với vận tải biển và vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn so với vận tải hàng không.

Với kinh nghiệm của Kazakhstan là sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao tương tự giữa thủ đô Astana và thành phố Almaty đã giúp Thủ đô của chúng tôi phát triển, trở thành trung tâm vận tải. Do đó, tôi tin rằng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam này cũng sẽ giúp thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển hơn nữa.

Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy rằng khách du lịch cũng quan tâm tới hình thức du lịch bằng tàu hỏa. Bản thân tôi cũng vậy. Song song cùng với việc tới các vùng miền của Việt Nam bằng ô tô hoặc máy bay, tôi cũng có mong muốn được đi tàu hỏa tới một số các tỉnh thành khác của đất nước xinh đẹp của các bạn.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bởi người Việt Nam "nói được là làm được".

Xin cảm ơn Ngài Đại sứ!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước