Ảnh minh họa.
Triển vọng tăng trưởng sẽ còn tùy thuộc nhiều vào những động lực nội tại của nền kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng tình trạng đối đầu thương mại, bất ổn tài chính và bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Theo IMF, môi trường thương mại toàn cầu bất lợi có thể gìm giữ kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020.
Ông Alex Mourmouras, Ban châu Á - Thái Bình Dương, IMF nhận định: "Đối với năm 2019, chúng tôi dự báo nền kinh tế tăng trưởng 6,5%. Đây cũng là mốc chúng tôi cho rằng gần với mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Các yếu tố bên ngoài có thể kéo ghì nền kinh tế nhưng tôi muốn nhất mạnh rằng tăng trưởng ở mức 6,5% trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay đã là rất khá".
Đối đầu thương mại chưa dứt giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đe dọa kéo lùi tăng trưởng kinh tế chung mà còn nắn chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoại cảnh này đã, đang và sẽ còn tác động phức tạp đến Việt Nam. Trong bối cảnh đó, IMF cho rằng Việt Nam cần tiếp tục với chiến lược dài hạn, chú trọng vào những cải cách bên trong của nền kinh tế
Ông Alex Mourmouras cho biết thêm: "Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên tiếp tục với lộ trình hiện đại hoá nền kinh tế. Bởi vấn đề không chỉ là vốn mà còn là quản lý và công nghệ. Việt Nam cần hướng tới giai đoạn tăng trưởng tiếp theo vốn dựa nhiều hơn vào công nghệ và sáng tạo".
Ghi nhận những nỗ lực quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua, IMF cũng khuyến nghị Việt Nam chú trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục với các chương trình cải cách sâu rộng, tập trung vào củng cố năng lực quan trị, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!