Theo IMF, nợ của chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước châu Á hiện đã vượt xa mức trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo số liệu vừa được IMF công bố, hiện Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc thuộc nhóm nước có hơn 20% doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ thanh toán lãi vay dưới 1 trong 4 quý tính đến quý II/2022.
Hàn Quốc có tỷ lệ thanh toán lãi vay dưới 1 là 22,1%, chỉ đứng sau Ấn Độ (31,1%). Tiếp đó là Thái Lan (28,03%), Trung Quốc (25,8%), Indonesia (22,7%).
Tỷ lệ thanh toán lãi vay là một chỉ số thể hiện khả năng trả lãi cho các khoản nợ của doanh nghiệp, giá trị này càng thấp, gánh nặng lãi vay sẽ càng lớn. Nếu tỷ lệ thanh toán lãi vay nhỏ hơn 1 có nghĩa là số tiền doanh nghiệp kiếm được trong khoảng thời gian đó không đủ để trang trải lãi suất vay, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ.
Các nước có dưới 20% doanh nghiệp thuộc diện này là Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Australia và Philippines.
Tỷ lệ thanh toán lãi vay dưới 1 của Philippines là 3,3%, Australia (6,3%), Singapore (6,6%), Hong Kong (Trung Quốc) (7,81%), Nhật Bản (15,8%).
Tại Việt Nam, 18,32% doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán lãi vay dưới 1; 18,32% doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán lãi vay ở mức từ 1 - 4 (nhóm dễ bị vỡ nợ khi chi phí vay tăng cao) và 63,36% doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán lãi vay bằng 4 (nhóm vẫn có khả năng trả nợ tốt).
IMF cũng bày tỏ sự quan ngại về các nhóm doanh nghiệp gia tăng vay vốn trong giai đoạn lãi suất đứng ở mức thấp.
IMF cảnh báo nếu ngân hàng trung ương của các nước giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài và thắt chặt hơn nữa các điều kiện cho vay để kiềm chế lạm phát thì một số doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ vì chi phí vay vốn tăng, đặc biệt là ở các lĩnh vực như bất động sản hoặc xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!