Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại có phải là quan điểm sai lầm?

Minh Long (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 12/12/2018 10:05 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Theo PGS James Crabtree, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, không có nước nào chiến thắng "rõ ràng" trong chiến tranh thương mại.

Gần đây, nhiều phân tích cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra những "kẻ thắng", "người thua" ở châu Á khi các dây chuyền sản xuất di dời khỏi Trung Quốc và nước này sẽ mua hàng hóa của các nước khác, thay vì của Mỹ.

Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên tờ Nikkei Asian Review hôm 5/12, James Crabtree, Phó Giáo sư ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc NUS cho rằng có một sự nhầm lẫn giữa các lợi ích nhỏ ở một số lĩnh vực cụ thể với các thiệt hại lớn mà cuộc chiến thương mại gây ra.

Một phân tích của bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc Nomura Holdings cho biết, Malaysia là nước có nhiều khả năng được hưởng lợi khi các công ty toàn cầu tìm kiếm các nhà cung cấp mới, tuy nhiên, gần một nửa mức hưởng lợi trên giả thuyết chỉ đến từ một lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng, vốn đóng góp chỉ 3% cho GDP của Malaysia.

Các thắng lợi trên là quá nhỏ nếu đặt trên bàn cân với các thiệt hại lớn hơn do xáo trộn thương mại toàn cầu nếu căng thẳng tăng nhiệt. Các nước châu Á được giả định hưởng lợi đều là những nước phụ thuộc vào thương mại lớn nhất, có độ mở lớn. Điều này có nghĩa là các nước này dễ bị tổn thương nhất nếu nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ.

Các công ty ở châu Á có thể chắc chắn được hưởng lợi nếu một phần các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc được chuyển sang nhưng rồi sau đó sẽ thiệt hại lớn hơn nếu các nhà sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nghĩa là một mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Cùng chung quan điểm với James Crabtree là chuyên gia từ World Bank. Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tác động của căng thẳng thương mại đến kinh tế Việt Nam, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, lợi thì có lợi nhưng chỉ ngắn hạn. Trong trung hạn, khi thương mại toàn cầu suy giảm, sự bất ổn do chiến tranh thương mại cũng giảm, Việt Nam vẫn phải trở lại bài toàn nâng cao năng lực cạnh tranh là cải tổ chính mình.

Dưới góc nhìn của một doanh nhân, trên VnExpress, tác giả Đinh Hồng Kỳ lại ghi nhận thực tế không giống những dự báo. Ông lấy câu chuyện một tập đoàn vật liệu ốp lát sang đặt vấn đề với ông về liên kết chuyển nhà máy từ Phật Sơn sang TP.HCM để né xuất xứ nhưng sau đó đổi ý.

Thuế suất vào Mỹ chỉ tăng từ 10%-15% nhưng nếu họ chuyển nhà máy sang Việt Nam, chi phí sẽ tăng từ 25%-30%. Lý do, giá thuê đất khá cao so với tại Phật Sơn, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, nguồn cung nguyên liệu và đặc biệt chi phí logistic nội địa quá cao. Họ quyết định sẽ không đầu tư sang Việt Nam mà tập trung cải tổ hệ thống tại Trung Quốc.

Câu chuyện được tác giả ghi nhận là ông cảm thấy ngỡ ngàng khi ứng dụng công nghệ mới nhất được chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng nhanh chóng không chỉ trong đời sống mà ở cả nơi sản xuất kinh doanh. "Hơi nóng" đổi thay mạnh mẽ của doanh nghiệp Trung Quốc dưới áp lực quốc tế khi phương Tây muốn chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nước này phải công bằng hơn đang đồng loạt tạo nên một làn sóng cải tổ.

Tác giả đặt ra vấn đề về tác động thực sự với nền kinh tế Việt Nam bằng câu hỏi: Khi người Trung Quốc đã gia nhập cuộc chơi toàn cầu, các công nghệ cũ, lạc hậu hay những sản phẩm kém chất lượng mà mới 2, 3 năm trước họ còn dùng nhan nhản nay chuyển đi đâu? Liệu câu chuyện xe máy Tàu và dây chuyền sản xuất xe máy rẻ tiền của Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị trường Việt cách đây gần 20 năm khi Trung Quốc bắt đầu cấm xe máy nội địa - có đang tái diễn?

Thị trường toàn cầu lo ngại trước các diễn biến căng thẳng thương mại Thị trường toàn cầu lo ngại trước các diễn biến căng thẳng thương mại IMF: Căng thẳng thương mại tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế châu Á IMF: Căng thẳng thương mại tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế châu Á 500 tỷ phú giàu nhất thế giới mất 63 tỷ USD vì căng thẳng thương mại 500 tỷ phú giàu nhất thế giới mất 63 tỷ USD vì căng thẳng thương mại

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước