Hong Kong (Trung Quốc) công bố chiến lược “Fintech 2025”

Anh Quang-Thứ năm, ngày 22/07/2021 17:03 GMT+7

VTV.vn - Để tăng cường vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu, mới đây, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố chiến lược "Fintech 2025".

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) công bố chiến lược "Fintech 2025" nhằm khuyến khích khu vực tài chính áp dụng công nghệ một cách toàn diện vào năm 2025 và cung cấp các dịch vụ tài chính công bằng, hiệu quả.

Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết chiến lược "Fintech 2025" gồm 5 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm tất cả các ngân hàng áp dụng công nghệ tài chính; ra mắt các đồng tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành; nâng cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu thế hệ tiếp theo; mở rộng lực lượng lao động về fintech và xây dựng nhiều chính sách tạo điều kiện cho fintech.

DBS là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa hoàn toàn các hoạt động đầu cuối từ front-end đến back-end. Ngân hàng lớn nhất đến từ Singapore này đã tung ra một ứng dụng điện thoại di động, cung cấp dịch vụ mở tài khoản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như dịch vụ xác minh danh tính AI từ xa cho khách hàng.

Hong Kong (Trung Quốc) công bố chiến lược “Fintech 2025” - Ảnh 1.

DBS là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa hoàn toàn các hoạt động đầu cuối từ front-end đến back-end. (Ảnh minh họa: Getty Images)

"Trí tuệ nhân tạo đơn giản nhất đang được áp dụng như định danh khách hàng qua eKyC. Chúng tôi có khoảng 50 chuyên gia về dữ liệu để xử lý hơn 1 triệu khách hàng lớn thông qua việc quản lý tài sản cho họ. Do vậy dự báo và đưa ra tư vấn là rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay", Giám đốc điều hành ngân hàng DBS Trevor Cheung cho hay.

Hiện có khoảng 6.000 công ty fintech đang hoạt động tại Hong Kong (Trung Quốc). Với họ, dữ liệu là một trong những cấu phần quan trọng nếu muốn cá nhân hóa nhu cầu khách hàng nhanh nhất. Do vậy, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong sẽ xây dựng một nền tảng trao đổi dữ liệu - một dạng sàn Big Data như tại Trung Quốc Đại lục. Điều này sẽ giúp các startup về fintech hoạt động hiệu quả trong giai đoạn đầu.

"Nền tảng trao đổi dữ liệu thương mại thực sự có thể tạo điều kiện cho ngân hàng và phi ngân hàng chia sẻ thông tin, giúp ngân hàng thực sự có thể đánh giá tín dụng của các khách hàng SME tiềm năng, giảm rủi ro cấp tín dụng, giúp khách hàng SME thực sự có được nguồn tài chính tốt hơn. Còn với các nhà cung cấp dữ liệu tiềm năng khác, họ có thể tạo ra một thị trường kinh doanh dữ liệu hoàn toàn mới, chưa hề được khai thác. Đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi", chuyên gia về rủi ro tại PwC Gary Ng cho biết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, với chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn, các đồng tiền kỹ thuật số CBDC được xem có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển vốn xuyên biên giới và tăng cường hội nhập tài chính giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Thị trường Việt Nam tiềm năng cho những fintech nước ngoài Thị trường Việt Nam tiềm năng cho những fintech nước ngoài

VTV.vn - Việt Nam đón nhận dòng kiều hối 15,7 USD, là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước