Hơn 21.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 10/05/2023 16:04 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn trong tháng 5 bao gồm bất động sản, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu…

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 4/2023, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3.

Tiếp đó, tính đến ngày 5/5, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 5/5, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 31.700 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng với giá trị 5.500 tỷ đồng (chiếm 17% khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 26.140 tỷ (chiếm 83% khối lượng phát hành).

Với trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 5/2023, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 6/5/2023, các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỷ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến ngày công bố thông tin 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21.400 tỷ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỷ đồng); hàng tiêu dùng (3.700 tỷ đồng); nguyên vật liệu (2.900 tỷ đồng); ngân hàng (2.500 tỷ đồng)…

Trong kỳ báo cáo, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1.200 tỷ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu, chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 tháng đến 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu

Đầu tháng 4 theo theo báo cáo của VNDirect, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng.

Trong đó quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Sang quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý IV là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước