Cuối tuần qua, Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Chính phủ. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu góp ý của nhân dân đã tăng 3 mục, bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều so với dự thảo trước. Thậm chí, có nội dung được sửa toàn bộ như các qui định về các trường hợp thu hồi đất tại Điều 75 dự thảo mới. Những nội dung này chưa được qui định tại Điều 78 của dự thảo luật công bố để lấy ý kiến nhân dân.
Ông Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Cơ quan soạn thảo phải gạn đục khơi trong, phải dựa trên các tiêu chí để những ý kiến nào tiếp thu là những ý kiến có chất lượng. Một điều rất quan trọng là chúng tôi phải đánh giá tác động các ý kiến đó, phải đảm bảo các yếu tố nêu trên và phù hợp với thực tiễn trong quá trình để triển khai, giải phóng được nguồn lực đất đai, đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội".
"Ý kiến rất đa dạng và của các tầng lớp nhân dân ở nhiều năng lực, trình độ và địa bàn khác nhau, vì vậy hoạt động lấy ý kiến cũng phải quán triệt một nguyên tắc đó là phù hợp với quy định của hiến pháp, nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống pháp luật và những quy định trong các văn kiện điều lệ của đảng. Ví dụ như Nghị quyết 18 là căn cứ chính trị để chúng ta phải bảo toàn căn cứ của nghị quyết và tinh thần của Hiến pháp 2013", Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh nói.
Sau 2 tháng rưỡi, có hơn 12 triệu lượt góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); hơn 1,1 triệu ý kiến về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hơn 1 triệu ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hơn 979.000 ý kiến về tài chính đất đai, giá đất; hơn 888 nghìn ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất.
Đã có hơn 12 triệu lượt góp ý cho dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi). Ảnh minh họa.
Một điểm đặc biệt của quá trình lấy ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là sự đồng hành của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Quá trình tiếp thu được tiến hành cùng lúc với quá trình tổ chức lấy ý kiến. Điều này đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, đổi mới trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: "Đã đổi mới rất mạnh mẽ, hội đồng dân tộc và các ủy ban khác ngoài việc tham gia cùng ủy ban kinh tế tại các phiên họp ở các diễn đàn, các cuộc lấy ý kiến thì họ chủ động tổ chức các hội thảo để kiến nghị của đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện trong cái dự thảo mới của Luật Đất đai này".
"Bên cạnh việc sửa Luật Đất đai, chúng ta cũng nên tính đến phương án là một luật sửa nhiều luật, bởi vì hệ thống pháp luật nó là một tổng thể rất nhiều các ngành luật…", PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất.
Cơ quan soạn thảo cho biết, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhân dân cho đến khi hoàn thiện dự thảo luật đất đai sửa đổi để thu nhận tối đa trí tuệ, tâm huyết của nhân dân đối với một trong những luật quan trọng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!