Hội Truyền thông số đề xuất áp thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

-Chủ nhật, ngày 03/11/2024 20:13 GMT+7

Theo dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số sẽ chịu mức thuế suất 10% mà không phân biệt trường hợp xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa

VTV.vn - Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính.

Theo VDCA, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) cho nhóm dịch vụ nội dung số là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, qua quá trình xem xét, một số nội dung trong dự thảo có những điểm cần cân nhắc, điều chỉnh bởi có thể ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nội dung số và sản xuất phim, đặc biệt là khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số mà không phân biệt trường hợp xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. Với dự thảo mới này, các dịch vụ nội dung số xuất khẩu sẽ không được hưởng mức thuế 0% như hiện nay nữa.

Do cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu từ dịch vụ được xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, gây bất cập trong quản lý thuế. Tuy nhiên, theo VDCA, việc áp dụng thuế suất 10% cho cả dịch vụ xuất khẩu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số, đặc biệt là khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA cho biết: Việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp Việt Nam so với các quốc gia khác, nơi thường áp dụng mức thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu, kèm theo đó là hoàn thuế đầu vào, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

Hội Truyền thông số đề xuất áp thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Bên cạnh đó, nguyên tắc của thuế GTGT là thuế gián thu, mà người chịu thuế phải là người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, đối với sản phẩm số, người tiêu dùng ở đây là người xem (không trả tiền) nên doanh nghiệp không thu được tiền thuế GTGT. Việc áp thuế với sản phẩm trên vô hình chung đánh trực tiếp vào doanh thu của doanh nghiệp. Điều này tạo gánh nặng tài chính lớn cho doanh nghiệp vì họ không thu được thuế từ người tiêu dùng (là người nước ngoài xem nội dung trên các nền tảng xuyên biên giới) nhưng vẫn phải chịu và nộp thuế GTGT cho nhà nước.

Dẫn ví dụ doanh nghiệp có doanh thu từ nền tảng số (được các nền tảng số chia sẻ) 100 USD. Trường hợp áp theo quy định, doanh nghiệp ngay lập tức phải chịu tiền thuế là 9.09 USD (thuế GTGT), VDCA chỉ ra, thực chất khoản doanh thu trên là do nền tảng số chia sẻ với doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam không thu được từ người tiêu dùng.

Chủ tịch VDCA cũng cho biết thêm, thuế GTGT hiện chưa phù hợp với nguyên tắc điểm đến. Với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu đánh thuế ở đó, quy định thuế suất 0% nhằm nhường lại quyền đánh thuế GTGT cho quốc gia tiêu thụ dịch vụ. Đây là thông lệ quốc tế mà các quốc gia đều tuân theo. Việc áp thuế 10% làm cho dịch vụ của chúng ta bị tính chồng thuế (vừa bị nộp thuế ở Việt Nam tại khâu nhập khẩu, vừa bị nộp thuế tại quốc gia tiêu thụ dịch vụ đó).

Ngoài ra, dịch vụ cung cấp trên nền tảng số thực chất đang bị chồng thuế. Theo phân tích của lãnh đạo VDCA, với những nhà sáng tạo nội dung không cư trú tại Mỹ, họ đã bị khấu trừ từ 24-30% thuế thu nhập cho các lượt xem từ Mỹ trước khi nhận thanh toán. Khi thu nhập về Việt Nam, các cá nhân và doanh nghiệp này tiếp tục phải chịu thêm 7-30% thuế nữa (bao gồm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cá nhân).

Cuối cùng, việc áp thuế suất 10% có thể làm giảm động lực phát triển ngành văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chủ trương thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam, tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn chưa hình thành được nền công nghiệp văn hóa như mục tiêu, bởi việc đầu tư cho các sản phẩm văn hóa gặp nhiều rủi ro, trong khi thực tế rất ít sản phẩm văn hóa tạo ra lợi nhuận. Việc áp mức thuế quá cao với sản phẩm văn hóa là rào cản lớn, giảm động lực của các doanh nghiệp tham gia vào phát triển các sản phẩm văn hóa cũng như sáng tạo ra các sản phẩm mới.

Vì thế, VDCA đề xuất Bộ Tài chính xem xét quy định: Các trường hợp không áp dụng thuế suất 0% gồm: Sản phẩm nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số cung cấp trên nền tảng số mà cơ sở kinh doanh không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh việc tiêu dùng ở ngoài Việt Nam hoặc ở trong khu phi thuế quan theo quy định của Chính phủ.

Đề xuất giữ nguyên mức thuế 5% cho sản xuất phim

Cũng theo VDCA, tại khoản 2, khoản 3 điều 9 dự thảo Luật thuế GTGT đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật và sản xuất phim. Điều này gây ra những tác động tiêu cực như ảnh hưởng tới giá thành và khả năng tiếp cận của người dân.Việc tăng thuế suất sẽ làm tăng giá dịch vụ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là các dịch vụ văn hóa và giải trí. Các sản phẩm này thường phục vụ công chúng, có ý nghĩa công cộng, việc tăng thuế có thể tạo ra rào cản tiếp cận.

Đồng thời, với định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thể thao, nghệ thuật trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng thuế suất lên 10% vào thời điểm này sẽ tạo ra khó khăn lớn cho các doanh nghiệp còn đang trong giai đoạn phát triển.

Chính vì vậy, lãnh đạo VDCA đề xuất giữ nguyên mức thuế 5% cho các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim để đảm bảo phát triển bền vững và khả năng tiếp cận của công chúng với các sản phẩm dịch vụ công cộng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước