Hỗ trợ thuế cho ngành ô tô trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

VTV Digital-Thứ tư, ngày 07/07/2021 06:13 GMT+7

VTV.vn - Tại Việt Nam đang có những dự án đầu tư lớn vào sản xuất ô tô và linh kiện, với mục tiêu có thể đưa tỷ lệ nội địa hóa tới 60%.

Mới đây, xuất phát từ đề xuất của tỉnh ủy Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn này. Điều này một lần nữa cho thấy, câu chuyện hỗ trợ ngành ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chưa bao giờ hết tính thời sự.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước mong muốn hỗ trợ về thuế

Hiện Hải Dương có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô lớn là Ford Việt Nam với công suất hơn 14.000 chiếc/năm, với tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD. Theo đề xuất của tỉnh ủy Hải Dương, trong bối cảnh mở cửa cho xe nhập khẩu nguyên chiếc, với nhiều hàng rào về thuế được gỡ bỏ, xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng cần những ưu đãi tương xứng.

Hỗ trợ thuế cho ngành ô tô trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Thắng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương, cho biết: "Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hoá của xe ô tô, giảm giá thành sản xuất xe ô tô, cạnh tranh xe nguyên chiếc nhập khẩu, đóng góp giá trị ngành công nghiệp, đóng góp ngân sách Hải Dương".

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương thời gian qua đã có nhiều chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, tăng cường chuyên giao công nghệ và phát triển nhân lực nhằm gia tăng nội địa hóa. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nhấn mạnh đòi hỏi thiết yếu của 1 hành lang thuế ưu đãi cho ngành oto nước nhà.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết: "Về chính sách thuế, xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đăc biệt với ô tô sản xuất trong nước và duy trì mức thuế nhập khẩu đố với linh kiện phụ tùng không sản xuất được. VAT hiện nay thu theo khấu trừ, thì khi sửa đổi cũng nên hoàn thuế có thời hạn".

Tại Việt Nam đang có những dự án đầu tư lớn vào sản xuất ô tô và linh kiện, với mục tiêu có thể đưa tỷ lệ nội địa hóa tới 60%. Đơn cử như thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện nội địa hóa, nếu được miễn, ước tính giá ô tô sẽ giảm khoảng 20%, là động lực quan trọng thúc đẩy nội địa hóa.

Nói tới tỷ lệ nội địa hóa, theo Bộ Công Thương, bình quân mỗi chiếc xe mới chỉ có 10% là thực sự do Việt Nam sản xuất được. So với tỷ lệ trung bình các nước trong khu vực lên tới gần 70%, thậm chí Thái Lan là 80%, con số này còn quá khiêm tốn.

Chưa kể dung lượng thị trường của Việt Nam còn quá nhỏ, chỉ tương đương 1/3 Thái Lan, và 1/4 Indonesia. Nếu không có sự hỗ trợ tương xứng từ cơ quan quản lý, sẽ rất khó để ngành ô tô nội địa có đủ sức cạnh tranh.

Hỗ trợ thuế cho ngành ô tô trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Hỗ trợ thuế cho ngành ô tô trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 2.

Cần rất nhiều tiền là thách thức với doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Khu tổ hợp sản xuất đã tiêu tốn của VinFast 3,5 tỷ USD, và vẫn còn tiếp tục tăng lên. Tại đây, có tới 30% quỹ đất, tương đương 70ha, dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Với mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa tới 60%.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc VinFast, cho biết: "Để đạt tỷ lệ đó VinFast phải chủ động, tự thành lập ra các nhà máy, tự sản xuất, nỗ lực mời gọi đối tác. Nhiều khi họ cũng muốn mình cam kết liên doanh".

Theo Toyota, giá thành linh kiện sản xuất tại Việt Nam cao hơn 2-3 lần so với khu vực. Do đó, ngay cả khi chi phí nhân công tại Việt Nam được đánh giá ở mức cạnh tranh hơn, chiếc xe sản xuất nội địa vẫn có chi phí sản xuất cao hơn 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia.

Hỗ trợ thuế cho ngành ô tô trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 3.

Ông Hiroyuki Ueda, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, nhận định: "Chúng tôi cho rằng sẽ cần một nhóm các chính sách toàn diện, đồng bộ. Trước tiên là duy trì thị trường tăng trưởng ổn định. Thứ 2 là có chính sách bù đắp cho phần 10-20% chi phí chênh lệch so với khu vực. Và cuối cùng, cần có chính sách đẩy nhanh nội địa hóa với các linh kiện thép và nhựa cỡ trung bình".

Ông Keisuke Tsuruzono, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, cho biết: "Để tăng cường nội địa hóa, chúng tôi vẫn gặp phải khó khăn về công nghệ, điển hình như việc lắp ráp động cơ tại Việt Nam. Nếu có chính sách hỗ trợ các phụ tùng sản xuất trong nước, dù có giá trị thấp, đây sẽ là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai".

70% số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam đang dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Nếu tiếp tục xu hướng nhập khẩu cả linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc đối với ngành ô tô như hiện nay, theo bộ công thương, có nguy cơ gây mất cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Quan trọng hơn cả, những phản ứng nhanh hay chậm từ cơ quan quản lý sẽ còn mang tính quyết định đối với sự sống còn của doanh nghiệp nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước