Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp cũng như khách hàng đã suy giảm đáng kể nên không thể cứng nhắc với những quy định về cho vay hoặc giải ngân đang là cách mà nhiều ngân hàng áp dụng.
Là một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Bình Dương, thời điểm giãn cách không có đơn hàng nhưng Công ty Vĩnh Hưng vẫn đồng thời vừa phải lo phòng chống dịch bệnh, vừa phải cáng đáng nhiều chi phí phát sinh như phí xét nghiệm, phí lo cho nhân viên 3 tại chỗ... Vì vậy, những hỗ trợ về vốn, dòng tiền đối với doanh nghiệp lúc này là hết sức quý báu.
Ông Đào Ngọc Kim - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hưng, Bình Dương cho hay: "Chúng tôi nhận được thông báo của ngân hàng về giảm lãi suất vay 1,5%/năm. Với số vay là khoảng gần 200 tỷ đồng, chúng tôi sẽ tiết kiệm được 100 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng”.
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện để phục hồi. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Cho vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm cũng được nhiều ngân hàng áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên khoản nợ cũ, thậm chí gia tăng hạn mức tín dụng cũng là một biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi lúc này.
Theo thống kê từ Hiệp hội ngân hàng, chỉ sau 1 tháng rưỡi thực thi cắt giảm lợi nhuận đã có gần 9.000 tỷ đồng được 16 ngân hàng thực hiện, tức là sẽ còn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng nữa đang chờ các ngân hàng đã cam kết và thực thi nốt. Số tiền này và trong bối cảnh cần nguồn lực để phục hồi chắc chắn sẽ hữu ích cho nhiều doanh nghiệp, khách hàng.
Hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy hoạt động cho vay cuối năm
Với những giải pháp nêu trên đã phần nào giúp doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn thuận lợn hơn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng trên 14% so với cùng kỳ năm trước.
Với đà phục hồi sản xuất kinh doanh như hiện nay, một số ngân hàng đề xuất được nới hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn dịp cuối năm - cũng là dịp sản xuất và tiêu dùng lớn nhất trong năm.
Với tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 nhiều khởi sắc sau giãn cách, sản xuất công nghiệp tăng gần 7% so với tháng trước, các nhà máy quay lại hoạt động, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu rõ ràng nhu cầu về vốn càng tăng cao.
Nếu năm 2020, chỉ 3 tháng cuối năm tín dụng đã tăng trên 6% thì với đà phục hồi như đang diễn ra của năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu vốn có thể sẽ còn cao hơn. Do đó cần nới hạn mức các ngân hàng đang cho vay hiệu quả.
Một số ngân hàng đề xuất được nới hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn dịp cuối năm. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
"Trong bối cảnh chúng ta đang muốn thúc đẩy phục hồi kinh tế nên Ngân hàng Nhà nước cân nhắc nới room tín dụng cho cả ngân hàng thương mại lớn và nhỏ nhưng không tăng quá nhiều. Tôi nghĩ khoảng từ 12 -13 - 14% là phù hợp", ông Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho hay.
Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay cho toàn hệ thống là khoảng 12%. Giữa năm nay, đã có 13 ngân hàng thương mại được nới room tín dụng.
Linh hoạt điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!