Nông nghiệp hữu cơ được hiểu là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất và con người, thích nghi với điều kiện của mỗi địa phương. Nông nghiệp hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia. Nông nghiệp hữu cơ cũng nói không với thuốc kháng sinh, hóc môn tăng trưởng, sinh vật biến đổi gen.
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, HTX hay trang trại cũng đang canh tác hữu cơ theo hướng này. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý chuẩn chỉnh như Bộ tiêu chuẩn thực hành hay cơ quan chứng nhận nên nông nghiệp hữu cơ ở nước ta chưa thực sự phát triển như mong đợi và cũng chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng.
Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ cũng là một hướng đi không phải dễ dàng. Nhiều nhà đầu tư ước tính, để có thể phát triển ổn định, đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ phải mất khoảng 10 năm. Chính vì vậy, ở Mỹ, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất nông nghiệp của quốc gia này.
Tính chung toàn thế giới, diện tích sản xuất hữu cơ chỉ ở mức 1,1%. Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhiều chính phủ đã ban hành các chính sách rất cụ thể:
Ở Pháp, chính phủ hỗ trợ khoảng 3.000 Euro, tương đương với khoảng 80 triệu đồng cho 1ha để làm công tác khuyến nông cho sản xuất hữu cơ.
Philippines hỗ trợ nông dân về giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ. Giúp nông dân các dịch vụ kiểm soát dịch hại và phân bón hữu cơ. Đan Mạch hỗ trợ tiền để đưa các nông sản hữu cơ vào bếp ăn công cộng.
Tại Brazil, chương trình Thực phẩm trường học quốc gia đặt mục tiêu mua ít nhất là 30% nông sản hữu cơ cho nông dân và mua với mức giá cao hơn 30% so với nông sản thường.
Đặc biệt tại Saudi Arabia, Chính phủ lại chi tiền để tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nông sản hữu cơ và khuyến khích người dân tiêu thụ các loại nông sản này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!