Gần chục năm nay, giá thu mua cá ngừ đại dương, sau mỗi năm, không tăng mà còn giảm, hiện chỉ còn khoảng 140.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí chuyến biển, năm sau lại cao hơn năm trước.
Khoảng 2.000 tàu câu cá ngừ đại dương tại khu vực Nam Trung Bộ, tương ứng với hàng ngàn gia đình ngư dân, những năm qua, luôn phải cân nhắc, tính toán làm sao để chuyến biển có lãi. Có lãi, hay không có lãi, ngư dân cũng sẽ bám biển bởi biển là cả cuộc sống của họ. Nhưng, điều rõ ràng, ngư dân sẽ mạnh dạn vươn khơi, nếu như không còn nỗi lo lỗ tổn phí.
3-5 tỷ đồng là số tiền đầu tư đóng mới những tàu cá công suất hàng trăm mã lực. Trang bị động cơ cho tàu cá, vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng cũng là chuyện bình thường, tuy nhiên không phải ngư dân nào cũng đủ số vốn này. Họ phải ứng tiền trước từ các chủ vựa thu mua hải sản. Ràng buộc trong thu mua hải sản bắt đầu từ đây.
Sau chuyến biển, ngư dân buộc phải bán hải sản cho chủ vựa cho dù giá thu mua thấp. Nhiều trường hợp vay tiền nóng từ các chủ vựa, tiền bán cá không đủ trả tiền lãi vay. Mạng lưới tiêu thụ hải sản khai thác qua nhiều khâu, nhiều chặng. Ngư dân không quyết định giá bán. Và cứ thêm một khâu, một chặng, giá lại càng ép xuống đối với ngư dân.
Chính sách hỗ trợ tín dụng lâu nay cũng như thông tin về gói tín dụng 10.000 tỷ đồng sẽ triển khai trong thời gian tới đã giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là làm sao ngư dân có đủ lực làm kinh tế biển, vươn xa và trải rộng trên những ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Giải pháp căn cơ đó chính là tháo gỡ vướng mắc về thị trường để cả doanh nghiệp lẫn ngư dân đều có lãi.
Nâng giá trị mặt hàng hải sản theo chuỗi được các nhà phân tích thị trường đưa ra như cách thức đảm bảo hiệu quả nghề cá. Để làm được điều này, nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất trên biển. Cùng với chính sách hỗ trợ ngư dân, một cách tổ chức sản xuất trên biển hợp lý sẽ thực sự tạo nguồn lực giúp ngư dân có mặt ở những vùng biển xa.
Phóng sự sau sẽ phản ánh chi tiết vấn đề này: