Hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Trợ lực cho "xương sống" của nền kinh tế

Sự kiện và Bình luận-Thứ bảy, ngày 16/09/2023 12:27 GMT+7

VTV.vn - Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như "xương sống" của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.

Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt.

Cách đây 2 ngày, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho công nghiệp chế biến, chế tạo.

Điều này cho thấy sự những nỗ lực của Chính phủ để đưa Công nghiệp chế biến chế tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng. Sau những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, những tháng gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp đang bắt đầu phục hồi, trong đó, đặc biệt ấn tượng là lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp

Như tại Cổ phần nhôm Việt – Pháp, doanh nghiệp nhôm này đang nâng cấp hệ thống máy đùn, cắt, đặc biệt là đào tạo và tuyển dụng thêm các lao động có tay nghề cao giúp giảm thiểu hàng lỗi, tiết kiệm được chi phí sản xuất.

"Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giản chi phí sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để đi vào các thị trường lớn hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nhôm Việt - Pháp cho biết.

Nếu nửa đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37% thì kết thúc 8 tháng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

"Trong nhóm chế biến chế tạo thì những ngành đóng vai trò là động lực cho xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực như dệt, sản xuất hoá chất, sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn và giường tủ bàn ghế", bà Phí Thị Phương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê thông tin.

Hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Trợ lực cho xương sống của nền kinh tế - Ảnh 1.

Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như "xương sống" của nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong Tổng sản phẩm quốc nội GDP là trên 25%. Trong khi đó hàng xuất khẩu của công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng cao lên tới trên 95%. Vì vậy sự phục hồi qua 8 tháng vừa qua cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

"Sau giai đoạn rất khó khăn những tháng đầu năm, với những hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương thì tín hiệu phục hồi rất tốt. Như trong quý I và II, doanh nghiệp chỉ đạt 60% sản lượng so với năm 2022. Đến quý III tăng lên 80, 90% sản lượng", ông Dương Văn Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí Xây lắp Thương mại Minh Cường cho biết.

Còn theo TS Trương Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, các đơn hàng phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Những doanh nghiệp có năng sản xuất hay cạnh tranh tốt với thị trường toàn cầu thì khách hàng cũ có thể giảm nhưng khách hàng mới tìm đến rất nhiều. Nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được khách hàng mới thị trường đang tăng cao trong năm 2022 cũng như 2023.

Thiếu vốn, khó tiếp cận đất đai

Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu, cơ khí chính xác là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành cơ khí khuôn mẫu hiện nay đang phải đối mặt. Đây cũng là bài toán chung của nhiều doanh nghiệp.

"Thiếu hụt nhân sự gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp khuôn mẫu, đặc biệt là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí là cả những doanh nghiệp nội địa. Ví dụ như chất lượng sản phẩm đầu ra không tốt, sản lượng ít, năng suất không nhiều…", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Fine Mold Việt Nam cho biết.

Còn ông Bùi Duy Hương, Giám đốc điều hành công ty Thiện Mỹ rất mong muốn được hỗ trợ tiếp tục từ các chương trình của Cục Công nghiệp để ngành khuôn mẫu của Việt Nam sẽ phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có chi phí rẻ hơn nữa để chúng ta tiếp cận được khách hàng lớn.

Hiện nay, lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là "nền tảng của nền công nghiệp". Khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.

Hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Trợ lực cho xương sống của nền kinh tế - Ảnh 2.

Tiếp cận vốn giá rẻ được xem là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp cơ khí nói riêng, chế biến, chế tạo nói chung

Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với tỉ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để vững vàng trong thị trường như thế này các doanh nghiệp cần vươn lên để tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ngày càng rộng mở hơn. Tuy nhiên, hiện với các doanh nghiệp cơ khí gắp rất nhiều khó khăn khi vốn đầu tư cao, tiếp cận tín dụng thì khó, lợi nhuận mỏng trong khi vòng quay vốn thì dài.

"Ngành cơ khí không có lợi nhuận trong đột biến, trung bình ở mức 3-5% (nếu thu hồi công nợ tốt). Để có thể bứt phá, doanh nghiệp rất cần vốn đầu tư, nếu không đầu tư thì không thể cạnh tranh được", ông Dương Văn Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí Xây lắp Thương mại Minh Cường nêu thực tế.

Về giải pháp để hỗ trợ ngành cơ khí, TS Trương Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết cần một quy hoạch, chiến lược phát triển ngành rõ ràng. Với quy hoạch, chiến lược cụ thể thì doanh nghiệp mới biết được ngành sẽ đi về đâu, nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ thế nào?

"Như với các doanh nghiệp sản xuất đang phải vay với lãi suất của ngân hàng thương mại. Trong khi các doanh nghiệp FDI vay với lãi suất của ngân hàng thương mại quốc tế của họ, lãi suất vay theo lãi suất huy động. Chỉ riêng lãi suất vay đã không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI",  bà Bình cho biết.

Ngoài khó khăn về vốn vay, cũng theo bà Bình việc tiếp cận đất đai với doanh nghiệp chế biến, chế tạo cực kỳ khó khăn vì giá rất đắt.

"Câu chuyện đất đai là câu chuyện của các khu công nghiệp chịu sự điều tiết của thị trường. Nếu để khu công nghiệp kinh doanh thì đương nhiên doanh nghiệp nào trả tiền cao hơn, thuê nhiều đất hơn sẽ được ưu tiên. Từ điều này thì doanh nghiệp chế biến, chế tạo Việt không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI được, cũng như các doanh nghiệp dịch vụ", bà Bình cho biết và đề xuất Chính phủ cần có chương trình ưu đãi về đất đai cho doanh nghiệp chế biến chế tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước