Theo như tài liệu đã công bố của Interpol, riêng năm 2002, đã có 40 triệu hộ chiếu bị đánh cắp và phần lớn được bán ra thị trường chợ đen một cách bất hợp phát. Còn theo chính người từng làm hộ chiếu cho thị trường chợ đen, mỗi ngày một người có thể bán từ 5-6 quyển với giá từ 100-10.000 USD.
Như vậy, ai là khách hàng của thị trường này?
Ông Michael Greenberger, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: “Khách hàng của thị trường hộ chiếu chợ đen là những tên khủng bố, những kẻ buôn lậu thuốc và buôn người. Chính vì vậy, hộ chiếu chợ đen đang tiếp tay cho nhiều hành động vô cùng nguy hiểm”.
Vậy, tại sao kẻ gian lại phải dùng lại hộ chiếu đánh cắp thay vì hộ chiếu giả?
Các nhân viên an ninh cho biết, hộ chiếu giả sẽ dễ bị phát hiện hơn hộ chiếu đánh cắp, vì nhiều quốc gia đã áp dụng những hình thức bảo mật về hình ảnh. Ví dụ, trong trang đầu hộ chiếu Mỹ có hình Đại bàng và 13 mũi tên, trong khi các hộ chiếu giả chỉ có 11 hoặc 12 mũi tên và chữ USA sẽ đổi mầu khi chiếu đèn cực tím.
Bà Brenda Sprague, Trưởng bộ phận cấp Hộ chiếu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu để giới thiệu Hộ chiếu thế hệ mới với nhiều hình ảnh bảo mật. Tuy nhiên, kẻ gian luôn tinh vi và tìm cách chống phá”.
Tuy nhiên, tại sao những hộ chiếu mất cắp hay thậm chí hộ chiếu giả vẫn lọt lưới an ninh?
Theo Interpol, hầu hết các trường hợp lọt lưới là do an ninh các nước không kiểm tra dữ liệu từ Interpol. Bởi có rất nhiều hộ chiếu bị đánh cắp, chủ sở hữu đã báo lại cơ quan chức năng vì vậy, những hộ chiếu loại này là vô hiệu lực. Trường hợp 2 hành khách trên chuyến bay MH 370 là một ví dụ. Các hộ chiếu họ dùng bị mất cắp rất gần đây (năm 2012 và 2013).
Đâu là giải pháp?
Bà Brenda Sprague, Trưởng bộ phận cấp Hộ chiếu, Bộ Ngoại giao Mỹ gợi ý: “Nên làm hộ chiếu điện tử. Nhân viên an ninh trên khắp thế giới có thể dựa vào vi mạch để biết có bị kẻ gian sử dụng không”.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao nên những kẻ gian trên thị trường chợ đen sẽ không bao giờ chịu ngồi yên, dù công nghệ cao đến đâu.
Mời quý vị theo dõi VIDEO chi tiết: