Với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, bà con không cần thế chấp tài sản, chỉ cần có phương án sản xuất khả thi, tham gia vào các mô hình sản xuất tập thể. Nông dân có thể vay vốn với số tiền cho mỗi dự án có thể lên tới 2 tỷ đồng.
Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, với phương châm phi lợi nhuận, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt việc cho vay theo phương án sản xuất - kinh doanh nhóm hộ, mỗi chu kỳ cho vay vào khoảng 2 - 3 năm/mô hình dự án. Qua đó, hội viên Hội Nông dân đã được hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh.
Cách đây 20 năm, ông Trần Văn Minh (xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn trồng bưởi nhưng chỉ là tự phát. Trong những năm gần đây, khi trái bưởi được xác định là cây phát triển kinh tế địa phương, xã Phú Thành đã giúp các hộ dân được tiếp cận với Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất. Ông Minh cũng được vay 100 triệu đồng từ quỹ này.
Trồng bưởi từ năm 2015, đến năm 2017 bà Nguyễn Thị Trường (xã Phú Thành) mới biết tới Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với số tiền được vay 100 triệu đồng, bà thấy rất khác với những lần đi vay vốn trước đây như: thủ tục vay đơn giản, không phải thế chấp tài sản và đặc biệt là lãi suất thấp, thời gian đáo hạn dài. Nhờ đó, việc đầu tư mở rộng diện tích của gia đình bà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây.
Những hộ dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện nay đều áp dụng sản xuất theo quy trình VietGap, chú trọng tới việc đảm bảo chất lượng an toàn cho trái bưởi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!