Đến cuối tháng 7, trong toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng chỉ tăng 8,3%, trong khi tiền gửi tăng đến 10,3%. Theo NHNN, lượng vốn vào tăng cao hơn so với lượng vốn cho vay ra chứng tỏ thanh khoản của hệ thống đang dư thừa ở mức hợp lý.
"Hàng ngày NHNN đã điều tiết lượng thanh khoản, vốn khả dụng của tổ chức tín dụng dư thừa ở mức hợp lý, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất”, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết.
Thanh khoản có phần dư thừa, thế nhưng chỉ trong tháng 7 đã có tới 7 NHTM tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1 đến 0,4%/năm ở cả kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn. Các chuyên gia nhận định, các ngân hàng tăng lãi suất do nhu cầu vốn đang có xu hướng gia tăng.
Điểm đáng lưu ý là các đợt tăng lãi suất tiền gửi lần này bắt nguồn từ các ngân hàng nhỏ. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém để tránh bùng phát các cuộc đua lãi suất.
“Chúng tôi khuyến nghị cần tái cơ cấu càng nhanh càng tốt, như thế đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh, đảm bảo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh”, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói.
Lãi suất đầu vào tăng sẽ tạo sức ép tăng lãi suất đầu ra, điều này đang đặt thêm gánh nặng cho NHNN trong việc đảm bảo mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!