Một chiến dịch quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Giới thiệu một loại gạo mới lạ mà khách hàng chưa hề biết, mời ăn thử, phát tờ rơi, dù có làm ở hội chợ quốc tế cũng là khoản đầu tư lớn.
Gạo Việt Nam có tham vọng mang đi chinh phục thị trường bán lẻ châu Âu thì chất lượng rất tốt. Hiện Hiệp định Thương mại có hiệu lực, giá bán cũng hấp dẫn nữa. Tuy nhiên, ngon và rẻ vẫn chưa đủ để tạo dựng thương hiệu.
"Gạo Việt Nam chúng tôi nghĩ cũng không có thua kém gì cái chất lượng so với gạo Thái. Nhưng vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam vẫn là phải đảm bảo tiến độ, nguồn cung được đều đặn.
Khách hàng không tìm thấy mặt hàng quen thuộc họ vẫn mua buộc họ phải rời đi tìm cái cửa hàng khác. Như vậy, chúng tôi đã mất một nguồn khách ổn định", bà Phạm Bích Thủy - chủ cửa hàng Le Panier Asiatique (Bỉ) nói.
EVFTA có hiệu lực đang mở rộng cửa cho gạo Việt Nam. Ảnh: VGP.
Công ty Thanh Bình Jeune có kho lớn tại Pháp, chuyên nhập khẩu nông sản châu Á, chủ yếu là nông sản Việt Nam. Có kho lớn mới có khả năng duy trì nguồn cung liên tục cho các cửa hàng bán lẻ. Nhưng có kho lớn cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng gạo không ổn định.
Ông Ngô Minh Đường - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (Pháp) cho biết: "Trên thế giới ai cũng nói gạo Việt Nam chất lượng không có được đều. Có lúc khi nhận được lô đẹp, có lúc lại nhận được lô xấu. Chuyện đó không ai có thể chấp nhận được hết. Phải kiếm cách nào để chất lượng thật đều từ đầu năm tới cuối năm đó là huyện quan trọng nhất".
Gạo ngon, hoặc kém ngon một chút cũng được, nhưng lô hàng sau phải giống lô hàng trước. Gạo rẻ, hoặc đắt một chút không sao, nhưng giá bán không được lên xuống quá thất thường. Ổn định tương đối về giá cả cũng là điều kiện quan trọng nếu muốn gây dựng thương hiệu.
Nhiều thách thức trong việc xây dựng thương hiệu gạo tại châu Âu. Ảnh minh họa - Dân trí.
Quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Quảng bá phải đi cùng một loạt yếu tố nữa mới không lãng phí. Giá chưa chắc đã cần phải rẻ nhất, gạo không nhất thiết phải rất ngon nhưng giá bán phải ổn định lâu dài, chất lượng phải không quá khác biệt giữa các đợt hàng, nguồn cung phải liên tục không khi nào đứt đoạn.
Ổn định và liên tục trong nhiều năm liền đó mới là thách thức chủ yếu trên con đường dài gây dựng thương hiệu gạo trên thị trường châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!