Năm 2020, trong số 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chiếm 20%. Bước sang nửa đầu năm 2021, con số này có dấu hiệu suy giảm, khi các mặt hàng trong nước chỉ chiếm 14% trong số hàng bán chạy. Nhiều cư dân mạng cho rằng, con số này là một thực tế.
"Suốt 2 tháng qua tôi mua 10 món hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhưng chỉ có 1 món hàng Việt Nam", một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.
"Tôi là người rất ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng thú thật là rất khó tìm mua hàng Việt Nam trên các sàn thương mại trực tuyến", một tài khoản khác bình luận.
"Nhiều khi tôi muốn mua mà phải tự tìm hiểu và ra tận nơi sản xuất hoặc cửa hàng để mua. Mấy đồ tốt tôi mua trên Ebay, Amazon toàn là hàng Việt nhưng không có trên sàn thương mại điện tử trong nước", một tài khoản khác cho biết.
Bình luận về con số 20% này, nhiều ý kiến cho rằng, lý do khiến hàng Việt "lép vế" trên các sàn thương mại điện tử không phải là do chất lượng hàng hóa kém hay do người tiêu dùng "quay lưng", mà là do các doanh nghiệp chưa "mặn mà" với việc bán hàng trên các "chợ mạng".
Năm 2020, trong số 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chiếm 20%. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, chỉ đến vì ảnh hưởng dịch bệnh vừa rồi họ mới loay hoay tính lên sàn thương mại điện tử", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Các công ty thích kênh bán lẻ hoặc bán hàng trực tiếp hơn. Còn việc bán ở các sàn thì thường thông qua đại lý, giá sẽ đắt hơn nên người tiêu dùng chưa mặn mà", một tài khoản khác cho hay.
"Nhiều công ty, nhất là công ty lớn thì kênh bán lẻ online gần như không có vì họ thấy doanh số quá nhỏ, không bằng bán buôn", một tài khoản khác chia sẻ.
Điểm sáng là nhóm nông sản - đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy trên các sàn thương mại điện tử. Ghi nhận thực tế ở một số sàn, tốc độ tiêu thụ nhóm hàng này đã tăng mạnh trong năm qua. Nông sản Việt đang bắt đầu tìm được chỗ đứng trên môi trường online.
"Vải Bắc Giang, na Chi Lăng, nhãn lồng Hưng Yên…, năm qua nhiều loại nông sản đã "lên sàn" nên những đợt "giải cứu nông sản" cũng ít dần đi", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Ảnh hưởng của dịch bệnh trong hai năm 2020 và 2021 đã vô tình tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến về cả cung và cầu", một tài khoản khác bình luận.
Trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước, bưởi Phúc Trạch cũng tiêu thụ trên 1.000 tấn thông qua các nền tảng này. Những con số cho thấy, nông sản đặc sản Việt trên sàn thương mại điện tử đã và đang được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để nông sản Việt thực sự có chỗ đứng và đứng vững hơn trên các sàn thương mại điện tử vẫn cần nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự chủ động của chính các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!