Chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại là một trong các nội dung được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar lần thứ tư đã diễn ra tại Siem Reap vào tháng 8 vừa qua.
Theo báo cáo từ tổ chức Hải quan thế giới, tổng giao dịch hàng làm giả năm 2006 trên thế giới là 500 tỉ USD, năm 2010 lên tới 2.000 tỉ USD, cứ 10 sản phẩm lại có 1 sản phẩm bị làm giả. Trong năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 181.000 trường hợp vi phạm thì có trên 90.000 trường hợp vi phạm.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương chia sẻ: “Sau buổi hội thảo này, chúng tôi sẽ chủ động lên danh sách từng loại mặt hàng để có chiến lược cụ thể giữa 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar trong việc chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại để có chế tài áp dụng thay vì bị động đối phó như trước kia”.
‘ Nguồn ảnh: ANHA
Ông Phutsakhonsengmaniphon, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách, Bộ Công Thương Lào đề xuất: “Chúng tôi nghĩ, tới đây thay vì tổ chức các buổi hội thảo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại ở các thành phố, chúng ta nên tổ chức ở các tỉnh vùng biên giới của các nước để cơ quan quản lý nắm được tình hình thực tế hơn là báo cáo”.
Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu cho rằng: “Để chương trình chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại giữa Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đạt kết quả thì cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, ngoài việc siết chặt các chế tài quản lý, cũng cần nâng cao ý thức tiêu dùng cho người dân”.
Ông Claudio Dordi cũng nhấn mạnh: “Hàng hóa phải có nơi tiêu thụ, khi người dân chưa nâng cao ý thức về việc tiêu thụ hàng nhái, hàng giả thì việc chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn gặp khó khăn. Muốn làm được điều này phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước”.
Vào ngày 8/11, Hội thảo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại giữa các nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar tiếp tục diễn ra tại Đà Nẵng.