Hàn Quốc chứng kiến chuỗi thâm hụt thương mại dài nhất trong 26 năm

TTXVN-Thứ tư, ngày 03/05/2023 16:22 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu của nền kinh tế "xứ sở Kim chi" đã bị thu hẹp trong 7 tháng liên tiếp do sự sụt giảm liên tục của chất bán dẫn và hóa dầu.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thâm hụt thương mại trong 14 tháng liên tiếp với tổng thâm hụt thương mại lũy kế trên 25 tỷ USD. Riêng tháng 4/2023 Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 2,92 tỷ USD.

Báo cáo về xu hướng xuất nhập khẩu trong tháng 4/2023 của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 4/2023 đạt 49,62 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng thời điểm của năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, phạm vi suy giảm đã tăng lên kể từ tháng 2/2023 với -7,6% trong đó tiêu biểu là lĩnh vực bán dẫn với kim ngạch xuất khẩu chip giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022 xuống còn 6,38 tỷ USD. Màn hình, một mặt hàng xuất khẩu chính khác của Hàn Quốc cũng đã giảm 29,3% so với cùng kỳ, trong khi các sản phẩm dầu mỏ (-27,3%) và hóa dầu (-23,8%) đều giảm hơn 20% do đơn giá bị kéo xuống bởi giá dầu yếu.

Hàn Quốc chứng kiến chuỗi thâm hụt thương mại dài nhất trong 26 năm  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Yonhap.

Ngược lại, xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc tăng 40,3% lên 6,16 tỷ USD so với cùng kỳ, mức cao kỷ lục về giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu tàu biển cũng tăng trưởng mạnh với gần 60%.

Chia theo khu vực, xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức giảm 26,5% và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm đáng kể (-26,3%) trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ giảm 4,4%.

Ngược lại, xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường châu Âu (được hỗ trợ bởi sự gia tăng xuất khẩu ô tô) tăng 9,9% và xuất khẩu sang khu vực Trung Đông tăng 30,7% với mặt hàng chủ lực là máy móc nói chung.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế (KITA) và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong quý I/2023 giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu chip toàn cầu và giá mặt hàng này sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu chip của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc giảm 44,5%.

Cán cân thương mại của Hàn Quốc đã ở mức âm trong 14 tháng liên tiếp (thêm tới 25,06 tỷ USD) kể từ khi thặng dư nhường chỗ cho thâm hụt vào tháng 3/2022. Đây cũng là mức thâm hụt kéo dài nhất của Hàn Quốc kể từ "Giai đoạn 17 tháng" (từ tháng 1/1995 đến tháng 5/1997). Thâm hụt thương mại hàng tháng của Hàn Quốc cũng được thu hẹp mỗi tháng: tháng Một năm nay với 12,69 tỷ USD trong khi thâm hụt tháng Hai và tháng Ba lần lượt là 5,3 tỷ USD và 4,63 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại kéo dài đang gây lo lắng trên thị trường ngoại hối. Điều đó không chỉ vì nguồn cung USD giảm do xuất khẩu mang lại mà còn đặt ra câu hỏi về sức sống cơ bản của nền kinh tế Hàn Quốc. Ngày 1/5, đồng won giao dịch ở mức 1.339,9 won đổi 1 USD, tăng 9,9% so với mức thấp nhất của năm 2023 được ghi nhận vào ngày 3/2 vừa qua.

MOTIE kỳ vọng lĩnh vực bán dẫn sẽ được cải thiện và đạt thặng dư tương ứng trong cán cân thương mại bắt đầu từ quý III/2023 tới do việc cắt giảm sản xuất tại nhà sản xuất Samsung Electronics và vấn đề dư cung của các nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn khác sẽ được giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước