Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị siết chặt, đẩy giá cả leo thang với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay. Để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, nhiều quốc gia đã lựa chọn biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm quan trọng. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ này được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro và không thể là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
Theo các chuyên gia, nhiều nước đã lựa chọn hạn chế xuất khẩu lương thực để vừa có thể sớm ổn định nguồn cung, bảo vệ thị trường trong nước, vừa không phải tốn kém về mặt ngân sách như khi sử dụng các chính sách trợ giá. Tuy nhiên, điều này được cho là sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm trên toàn cầu, làm gia tăng rủi ro lạm phát. Các quốc gia nghèo sẽ chịu thiệt hại lớn hơn cả.
"Hãy đặt mình vào vị trí của người dân ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình - nơi bạn sẽ phải chi ít nhất 50% thu nhập cho lương thực thực phẩm và rồi đột nhiên các mặt hàng này đột nhiên tăng giá mạnh. Đó là thực tế đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới", ông Arif Hussain - Chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình Lương thực Thế giới cho hay.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị siết chặt, đẩy giá cả leo thang với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay. (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters)
Hạn chế xuất khẩu cũng không phải là một giải pháp bền vững trong dài hạn bởi thương mại toàn cầu đòi hỏi một sự cân bằng có đi có lại giữa các quốc gia. Ấn Độ - quốc gia vừa hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường cũng chính là một trong những nước đầu tiên phản đối việc Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu cọ hồi tháng 4. Các chuyên gia khuyến cáo, trao đổi thương mại và gia tăng sản lượng mới thực sự là lời giải cho bài toán khủng hoảng hiện nay.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: "Có hai điều cần được làm và phải làm một cách nhanh chóng. Một là ngăn chặn các biện pháp hạn chế thương mại, khi đã có tới 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực. Điều này chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Hai là phải gia tăng sản lượng lương thực ở bất cứ nơi nào có thể. Điều này có thể thực hiện bằng việc hỗ trợ tài chính để người nông dân sản xuất nhiều hơn".
Để gia tăng sản lượng, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại là rất cần thiết, bởi người nông dân sẽ không thể hào hứng sản xuất, chừng nào họ chưa thể bán các sản phẩm ra thị trường nước ngoài với mức giá tốt.
"Phần lớn trong tổng sản lượng của chúng tôi là dành cho xuất khẩu. Nếu lệnh cấm kéo dài quá lâu, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn, các nhà sản xuất sẽ mất động lực để gia tăng sản lượng", ông Sahat Sinaga - Tổng giám đốc Hiệp hội Dầu thực vật Indonesia cho hay.
Indonesia hồi tuần trước đã phải đảo ngược quyết định tạm dừng xuất khẩu dầu cọ - sản phẩm quan trọng của nước này, chỉ sau 3 tuần áp dụng. Đây được coi là động thái cần thiết trong bối cảnh lệnh cấm đã có ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất dầu cọ vốn sử dụng tới 17 triệu lao động của nước này, gây thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!